Ngồi xông lá thuốc phòng COVID-19, bé gái Đồng Nai ngã úp mặt vào nồi, bị nguy kịch

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 19/12/2021 10:55 AM (GMT+7)

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận một bé gái bị bỏng nặng do ngã vào nồi xông thuốc lá để phòng COVID-19.

Theo đó, bé gái gặp nạn là T.L.N.P (14 tuổi, ở Đồng Nai) được gia đình cho xông lá thuốc để phòng ngừa COVID-19. Trong lúc đang xông nồi thuốc lá, bé gái bất ngờ lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước sôi. Chỉ trong khoảng một phút, bé gái đã bất tỉnh và được gia đình đưa vào BV Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, cổ.

Do tình trạng quá nặng, bé gái tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu và phải thở bằng máy, truyền dịch nuôi ăn, khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng bằng kháng sinh mạnh. Qua nhận định ban đầu, các bác sĩ cho biết thương tích có thể sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình và sinh hoạt do các sẹo dính về sau.

Qua trường hợp của bé gái trên, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo xông thuốc lá, tinh dầu chỉ giúp làm dịu triệu chứng hô hấp, dịu thần kinh, giảm đau nhức nhưng không thể giúp ngăn ngừa hay chữa khỏi bệnh COVID-19.

Bé gái bị bỏng sẽ để lại di chứng nặng nề. Ảnh: BV Nhi đồng 2.

Bé gái bị bỏng sẽ để lại di chứng nặng nề. Ảnh: BV Nhi đồng 2.

Theo Quyết định số 4539/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19", nguyên tắc chung sử dụng y dược cổ truyền dựa vào việc phòng bệnh và điều trị.

Cụ thể, về phòng bệnh, dùng các phương pháp y dược cổ truyền để nâng cao thể trạng, chú ý tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Theo y học cổ truyền, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên, giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi họng.

Sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác theo quy định để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh. Vì vậy, tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng nêu 2 phương pháp xông phòng ở, nơi làm việc, nhằm hạn chế và phòng ngừa bệnh. Cụ thể:

- Phương pháp thứ nhất, nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tuỳ theo diện tích phòng.

Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng. Tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.

- Phương pháp thứ hai, nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.

Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10-40m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.

Bộ Y tế lưu ý cả hai phương pháp này không được xông trực tiếp vào người. Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

Từ vụ ca sĩ Hồng Ngọc bị bỏng, BS hướng dẫn cách sơ cứu nhanh nhất để tránh tổn thương
Khi bị bỏng tuyệt đối không được hoảng, đặc biệt là với người sơ cứu, vì mất bình tĩnh sơ cứu sai cách khiến vết thương càng nặng thêm.

Các vụ tai nạn hi hữu

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em