Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những bệnh nhân nhập viện do ung thư có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn những bệnh nhân còn sống sau điều trị khỏi ung thư và những người chưa từng mắc bệnh này.
Đây là kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Cancer - Ung thư (Mỹ). Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ bệnh án của gần 4.200 bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm y khoa NYU Langone ở thành phố New York (Mỹ) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong số những bệnh nhân này, 233 người có chẩn đoán bị ung thư.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện do COVID-19 khoảng 34% ở bệnh nhân đang bị ung thư, nhưng chỉ khoảng 28% ở những người đã điều trị khỏi hoặc không có tiền sử mắc ung thư. Trong đó, những người bị bệnh ung thư máu có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao nhất.
Nhóm nghiên cứu cho biết việc tiếp nhận các biện pháp điều trị ung thư, bao gồm hóa trị liệu, liệu pháp phân tử đích và liệu pháp miễn dịch, trong vòng ba tháng trước khi bệnh nhân nhập viện không liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Daniel Becker, chuyên gia ung thư tại NYU Langone, cho biết: “Trong số những người nhập viện vì ung thư và COVID-19, các liệu pháp điều trị ung thư gần đây không liên quan đến tăng nguy cơ trầm trọng tình trạng bệnh. Do đó, những bệnh nhân ung thư nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh nhiễm COVID-19, bao gồm cả việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhưng không cần phải tránh điều trị ung thư".
Theo tổng biên tập của tạp chí Cancer, Tiến sĩ Suresh Ramalingam - phó giám đốc Viện nghiên cứu Ung thư Winship thuộc Trường Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ), kết quả nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho bệnh nhân ung thư.
Một nghiên cứu tại 575 bệnh viện thuộc 31 khu vực, tỉnh thành của Trung Quốc, đăng tải trên tạp chí The Lancet Oncology hồi tháng 3 năm 2020 cũng cho thấy, nhóm bệnh nhân có tiền sử điều trị ung thư và đặc biệt nhóm bệnh nhân đang hoặc vừa điều trị bằng hóa chất hoặc phẫu thuật có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị khoa hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư (tỷ lệ 39% so với 8% tương ứng). Thêm vào đó, thời gian trung bình dẫn đến tiến triển nặng ở nhóm bị ung thư ngắn hơn nhiều so với nhóm không bị ung thư (13 ngày so với 43 ngày).
Từ đó nghiên cứu khẳng định, nhóm bệnh nhân ung thư và sau điều trị ung thư là các đối tượng nguy cơ cao, cần được bảo vệ, cách ly chặt chẽ hơn và khi bị nhiễm COVID-19 phải điều trị tích cực, chuyên sâu hơn, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc mắc các bệnh mạn tính khác.
Nguồn thông tin:
https://www.webmd.com/lung/news/20210607/study-pinpoints-cancer-patients-at-highest-risk-from-covid
https://suckhoedoisong.vn/benh-nhan-ung-thu-co-nguy-co-tu-vong-cao-khi-nhiem-covid-19-n194570.html
https://www.benhvien108.vn/y-hoc-thuong-thuc/covid-19-nhung-dieu-can-biet-voi-benh-nhan-ung-thu.htm