Bạn bị lạnh chân hoặc ngón chân bỗng nhiên sưng, đổi màu - đó có thể là cảnh báo của vấn đề bệnh trầm trọng, không thể coi thường.
Bàn chân có thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe của bạn như nguy cơ ung thư, tiểu đường hay thậm chí cả COVID-19:
1. Ngón chân COVID-19
Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, có biểu hiện sưng và đổi màu ngón chân khiến các bác sĩ da liễu và các nhà nghiên cứu y học lâm sàng suy đoán rằng có thể có mối liên quan với virus SARS-CoV-2. Hiện tượng này được gọi là “ngón chân COVID” khi một hoặc nhiều ngón chân và đôi khi cả ngón tay của người bệnh chuyển sang màu hồng, đỏ hoặc tía.
"Ngón chân COVID" giống như một rối loạn da hiếm gặp gọi là pernio, còn gọi là bệnh cước hay Chilblain, một tình trạng viêm da do tiếp xúc quá nhiều với nhiệt độ lạnh và ẩm ướt. Pernio là một dạng viêm mao mạch có thể dẫn đến đổi màu và / hoặc sưng trên bàn tay hoặc bàn chân.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự gia tăng của pernio cũng có thể là do tiếp xúc với lạnh ẩm, chẳng hạn như đi chân trần hoặc mang tất mỏng, thường gặp ở những người bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà.
2. Luôn cảm thấy bàn chân lạnh
Nếu các ngón chân của bạn luôn lạnh có thể là do lưu lượng máu kém. Vấn đề về tuần hoàn máu đôi khi có thể liên quan đến thói quen hút thuốc, huyết áp cao hoặc bệnh tim. Tổn thương dây thần kinh do bệnh tiểu đường không kiểm soát được cũng có thể khiến chân bạn lạnh. Các nguyên nhân khác bao gồm suy giáp và thiếu máu hoặc chỉ đơn giản là bị lạnh bàn chân.
3. Ngón chân chuyển màu trắng, xanh, đỏ
Bệnh Raynaud hay còn gọi là hội chứng Raynaud, là tình trạng khiến máu chảy đến ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi bị giảm do mạch máu bị hẹp và thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc bị stress. Ngón chân của người mắc hội chứng này có thể chuyển sang màu trắng, sau đó hơi xanh rồi lại đỏ và trở về tông màu tự nhiên. Nguyên nhân là do động mạch bị thu hẹp đột ngột, được gọi là co thắt mạch. Bệnh Raynaud cũng có thể liên quan đến viêm khớp dạng thấp, bệnh Sjögren hoặc các vấn đề về tuyến giáp.
4. Đau gót chân
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau gót chân là viêm cân gan chân. Cân gan chân là một dải gân cơ bám từ các chỏm xương bàn đến xương gót giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Cân gan chân khi bị tổn thương sẽ gây đau nhức gót chân.
Cơn đau có thể rõ nhất khi bạn mới thức dậy và khi gây áp lực lên bàn chân. Viêm khớp, tập thể dục quá nhiều và đi giày không vừa vặn cũng có thể gây đau gót chân, cũng như viêm gân. Các nguyên nhân gây đau gót chân ít phổ biến hơn bao gồm nhiễm trùng xương, khối u hoặc gãy xương.
5. Bàn chân sưng lên
Đây là hiện tượng dễ thấy khi bạn đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu trên một chuyến bay dài, đặc biệt nếu đang mang thai.
Tuy nhiên nếu không phải do những nguyên nhân trên, tình trạng sưng phù bàn chân có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể là do tuần hoàn kém, hệ thống bạch huyết có vấn đề hoặc cục máu đông. Rối loạn thận hoặc tuyến giáp hoạt động kém cũng có thể gây sưng phù. Nếu bạn bị sưng phù bàn chân dai dẳng, hãy đến gặp bác sĩ.
6. Cảm giác bỏng rát ở chân
Cảm giác bỏng rát ở bàn chân thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Nó cũng có thể do thiếu vitamin B, bệnh nấm da chân, bệnh thận mãn tính, lưu thông máu kém ở chân và bàn chân hoặc suy giáp.
7. Vết loét ở chân mãi không lành
Vết loét ở chân không lành là dấu hiệu cảnh báo chính cho bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể làm suy giảm cảm giác ở bàn chân, tuần hoàn và khả năng chữa lành vết thương bình thường, vì vậy ngay cả một vết phồng rộp nhỏ cũng có thể trở thành một vết thương lớn. Những vết loét cũng dễ bị nhiễm trùng. Bệnh nhân tiểu đường nên rửa, lau khô chân và kiểm tra vết thương mỗi ngày. Vết loét chậm lành cũng có thể do lưu thông kém từ các bệnh lý như bệnh động mạch ngoại vi.
8. Đau ở ngón chân cái
Bệnh gút thường được biết đến là nguyên nhân gây ra cơn đau đột ngột ở khớp ngón chân cái, kèm theo đỏ và sưng. Viêm xương khớp cũng có thể là một thủ phạm khác gây ra đau và sưng ở ngón chân cái.
Nếu khớp cứng, đó có thể là chứng cứng khớp Hallux, một biến chứng của bệnh viêm khớp. Đau sưng ngón chân cái cũng là hiện tương hay gặp ở các vận động viên. Nguyên nhân là do chấn thương dây chằng bao quanh khớp.
9. Đau ở ngón chân nhỏ hơn
Nếu bạn cảm thấy như đang đi trên một viên bi hoặc có cơn đau bỏng rát ở bàn chân và lan đến các ngón chân, bạn có thể bị u thần kinh Morton, một loại mô dày xung quanh dây thần kinh, thường là giữa ngón chân thứ ba và thứ tư. Nguyên nhân là do chấn thương hoặc quá nhiều áp lực lên các ngón chân.
10. Vết đen trên bàn chân
Nếu bàn chân xuất hiện vết đen, bạn nên kiểm tra kỹ bởi đó có thể là dấu hiệu ung thư da. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mới có nguy cơ ung thư nhưng thực tế dạng ung thư da nguy hiểm nhất có thể phát triển ở những vùng không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. U ác tính thậm chí có thể xuất hiện bên dưới móng tay.