Người già, trẻ nhỏ méo miệng, đột quỵ nhập viện gia tăng vì rét đậm, rét hại dài ngày

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/01/2021 14:45 PM (GMT+7)

Trong đợt lạnh vừa qua rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì mắc bệnh liên quan đến thời tiết, đặc biệt là các các đối tượng mắc bệnh mãn tính.

Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang trải qua những ngày rét kỷ lục nhất kể từ đầu mùa Đông đến nay, việc nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ với sức khỏe con người, đặc biệt là những ai mắc các bệnh lý nền, người già và trẻ nhỏ.

Thực tế, tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh lý mùa đông gia tăng trong những ngày vừa qua. Trong đó, người già và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Bệnh viện (BV) Châm cứu Trung ương: Lãnh đạo bệnh viện này cho biết, trong những ngày lạnh vừa qua, các bệnh nhân đến khám và nhập viện do bệnh xương khớp, liệt dây thần kinh số 7 gia tăng. Đặc biệt, nhiều trường hợp là trẻ nhỏ, người cao tuổi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do những thói quen hàng ngày như tập thể dục khi thời tiết quá lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột…

“Nắm bắt trước được tình hình, bệnh viện đã lên kế hoạch khám chữa bệnh cho đợt lạnh đỉnh điểm này. Bệnh viện đã bổ sung thêm đèn sưởi, chăn đệm ở phòng điều trị nội trú,… làm sao đáp ứng tốt nhất việc điều trị cho người bệnh”, lãnh đạo BV Châm cứu Trung ương cho hay.

Người già, trẻ nhỏ méo miệng, đột quỵ nhập viện gia tăng vì rét đậm, rét hại dài ngày - 1

Nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên nhập viện trong mùa lạnh.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương: Đại diện bệnh viện này cho biết, thống kê trong những ngày vừa qua cho thấy số lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú có giảm nhẹ so với bình thường, nguyên nhân có thể do trời quá lạnh nên khi trẻ bị ốm nhẹ phụ huynh tự theo dõi không đưa đến viện. Trẻ đến khám chủ yếu vẫn liên quan đến vấn đề tiêu hóa (tiêu chảy) và các bệnh về đường hô hấp.

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nội trú có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là nhóm trẻ có sẵn bệnh mãn tính như: viêm phế quản mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính, trẻ bị mắc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh...

Theo đó, các khoa/trung tâm hầu hết đã đạt gần 100% số giường kê thực tế. Tại Trung tâm Cấp cứu Chống độc đang điều trị cho 95 bệnh nhân nội trú/100 giường thực kê; Trung tâm Hô hấp đã vượt qua số giường thực kê là hai giường với 149 bệnh nhi; Trung tâm Tim mạch cũng trong tình trạng tương tự 113 bệnh nhi/113 giường thực kê. Tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, hiện cũng đã gần kín giường thực kê với 165 bệnh nhi/170 giường.

Người già, trẻ nhỏ méo miệng, đột quỵ nhập viện gia tăng vì rét đậm, rét hại dài ngày - 2

Số bệnh nhi nhập viện nội trú gia tăng trong mùa lạnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai: Trong đợt lạnh vừa qua số bệnh nhân đến khám, cấp cứu tại bệnh viện không tăng đột biến, đa số người đến viện liên quan đến các bệnh lý nền mãn tính, đặc biệt là ở nhóm người mắc bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn… Ngoài ra, từ đầu mùa đông đến nay, số bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện và cấp cứu cũng gia tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ.

Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bệnh viện đã bố trí các cây sưởi bằng ga ở khu vực trước khoa Cấp cứu trong những ngày lạnh đỉnh điểm.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương: Đại diện bệnh viện này cho biết, so với ngày bình thường số lượng bệnh nhân đến khám không tăng. Tuy nhiên, lại tăng về lượng bệnh nhân khám liên quan đến các bệnh mùa đông. Điển hình như số bệnh nhân khô da chiếm 50% số bệnh nhân đến khám. Ngoài ra, một số bệnh khác như viêm da cơ địa, lupus ban đỏ cũng gia tăng số người đến khám so với bình thường.

Để phòng bệnh về da mùa đông, Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, người dân nên che chắn làn da kín khi da đường, hạn chế tiếp xúc với lạnh, không nên tắm nước quá nóng và dưỡng ẩm cho da ngay sau khi tắm xong, dùng đèn sưởi đúng cách, không sưởi than…

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Theo thống kê, trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi so với ngày bình thường. Trong đó có tới 1/3 bệnh nhân bị đột qụy não, số còn lại là mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch…

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương: Số bệnh nhân nhập viện trong thời gian vừa qua cũng tăng mạnh, chủ yếu là người mắc bệnh liên quan đến hô hấp, thậm chí có người bị nặng còn phải thở máy, đặc biệt là người cao tuổi. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh làm gia tăng các bệnh về hô hấp như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính.

Để chủ động phòng bệnh mùa lạnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, cần:

1. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

2. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

3. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

4. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

5. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

6. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.

Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh 
Không chỉ tắm đêm, việc ra lạnh đột ngột, không quản lý huyết áp là yếu tố tác động dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở cả người cao tuổi và người trẻ.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe mùa đông