Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh 

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 17/12/2020 19:00 PM (GMT+7)

Không chỉ tắm đêm, việc ra lạnh đột ngột, không quản lý huyết áp là yếu tố tác động dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở cả người cao tuổi và người trẻ.

Cô gái trẻ đột quỵ sau khi tắm đêm

Đó là trường hợp một người phụ nữ 27 tuổi, quê Vĩnh Phúc vừa được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) tiếp nhận và điều trị. Theo chia sẻ của chồng bệnh nhân, trước khi đi cấp cứu người phụ nữ này đi làm về và tắm đêm (khoảng 22 giờ). Sau khi tắm xong bỗng xuất hiện cơn đau đầu dữ dội, dù được đưa vào giường nằm nghỉ nhưng vẫn không đỡ và được đưa đi cấp cứu.

Tại Trung tâm Đột quỵ, bệnh nhân vẫn nhận biết được mọi thứ xung quanh, tuy không bị liệt nhưng cơn đau đầu vẫn rất dữ dội và ngày càng gia tăng. Tại đây, các bác sĩ đã cho chụp MRI, kết quả cho thấy nữ bệnh nhân bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não, chảy máu dưới nhện và được can thiệp bằng cách nút khối dị dạng mạch. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh  - 1

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, dù nguyên nhân đột quỵ của bệnh nhân là do dị dạng mạch máu não, tuy nhiên việc nữ bệnh nhân tắm đêm là cơ hội để phát bệnh. Bác sĩ Tuyến cho rằng, tắm đêm khiến huyết áp thay đổi đột ngột dễ gây ra tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, việc tắm đêm khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi tạo áp lực gây vỡ động mạch hoặc mao mạch.

Tắm đêm, gặp lạnh đột ngột rất nguy hiểm

Cảnh báo về tình trạng tắm đêm, TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, trường hợp bị nhiễm lạnh hoặc tắm lạnh, nhất là tắm khuya có thể gây co mạch ngoại vi làm tăng tuần hoàn trung tâm, tăng lưu lượng máu, tăng áp lực tuần hoàn trung tâm, hệ tim mạch chưa thích nghi kịp gây vỡ những điểm yếu mạch hoặc vỡ các dị dạng mạch bẩm sinh gây ra tình trạng đột quỵ.

Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh  - 2

TS Võ Tường Kha cho biết, tắm đêm dù là mùa đông hay mùa hè đều rất nguy hiểm.

Ngoài ra, TS Kha cho rằng, với những người mới vận động xong tuyệt đối không nên tắm ngay, đặc biệt là tắm muộn, tắm khuya vì sẽ làm cho tình trạng co mạch tuần hoàn ngoại vi tăng lên, làm cho lưu lượng tuần hoàn trung tâm tăng lên, gây co mạch tăng huyết áp dễ dẫn đến đột tử.

“Nguyên nhân đột tử thông thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hoạt động tim tăng lên, hoạt động não tăng lên nhưng oxy thiếu nên dẫn đến đột tử. Hoặc thiếu oxy ở các tổ chức khác cũng gây nên tình trạng nguy hiểm sức khỏe.

Đặc biệt những người mắc bệnh tim, mạch, phổi mãn tính tiềm tàng dễ tái phát, gây đột tử khi trúng lạnh do thời tiết hoặc tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao, tắm quá muộn”, TS Võ Tường Kha cho hay.

TS Kha khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên tắm khuya bất kể là mùa đông hay mùa hè, tuyệt đối không nên tắm ngay sau khi hoạt động thể lực, không tắm nước lạnh vì sẽ gây nên tình trạng tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, đột tử.

Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh  - 3

Tắm đêm nhất là vào mùa đông cực kỳ nguy hiểm.

Hãy lắng nghe cơ thể dể nhận biết dấu hiệu đột quỵ

Thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều ca đột quỵ, đặc biệt là ở lứa tuổi tưởng chừng sức khỏe đang sung sức nhất. Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong 1 tháng trở lại đây có khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó có tới 10% (tức là 100 ca) là bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi), thậm chí có ca mới 14 tuổi đã bị đột quỵ.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời tiết lạnh như hiện nay người dân đặc biệt phải chú ý đến các vấn đề về sức khỏe, khi có các dấu hiệu như: đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu.

Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý đến các dấu hiệu như đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

Để phòng đột quỵ, người dân nên vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Chuyên gia nói gì về thử thách đứng một chân kiểm tra đột quỵ mà Chí Tài từng thực hiện
Việc đứng bằng một chân giữ thăng bằng trong 20 giây không phải là cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ, vì thế mọi người không quá lo lắng khi không giữ...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS. TS.Bs Võ Tường Kha