Đổ mồ hôi là một cơ chế sinh lý tưởng như rất bình thường nhưng có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe và tuổi thọ.
Thời tiết mùa hè nóng bức nên mọi người dễ bị đổ mồ hôi. Nhiều người cảm thấy rất khó chịu với vấn đề này vì dễ khiến cơ thể bốc mùi khó chịu, trong khi một số khác dường như rất ít khi bị đổ mồ hôi hoặc nếu có cũng không đáng kể. Việc không đổ nhiều mồ hôi có thể là một điều đáng ghen tỵ nhưng đây cũng là một phần tự điều chỉnh của cơ thể. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là người thường xuyên đổ mồ hôi và người ít bị mồ hôi, ai sẽ khỏe mạnh hơn?
Nghiên cứu Nhật Bản: Sự khác biệt giữa người hay đổ mồ hôi và ít đổ mồ hôi là 15 năm tuổi thọ?
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, một nghiên cứu của Nhật Bản nhận thấy giữa những người dễ và ít bị đổ mồ hôi chênh lệch tới 15 năm tuổi thọ. Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều người hoang mang khi thấy bản thân không phải là người dễ ra mồ hôi. Liệu điều này có chính xác?
Đầu tiên chúng ta cần hiểu cơ chế của việc đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi là một quá trình quan trọng để cơ thể con người điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Các tuyến mồ hôi tiết ra mồ hôi để thải nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó đạt được mục đích làm giảm thân nhiệt.
Tuyến mồ hôi chủ yếu được chia thành hai loại gồm: tuyến eccrine và tuyến apocrine. Mồ hôi do tuyến eccrine tiết ra chủ yếu là nước, xuất hiện hầu hết ở cơ thể và mở trực tiếp trên bề mặt da. Tuyến apocrine tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein và steroid qua các ống lông tại khu vực da đầu, nách, bẹn.
Người đổ mồ hôi và không đổ mồ hôi, ai mới là người khỏe mạnh hơn? (Ảnh minh họa)
Đổ mồ hôi là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể con người và thường xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau:
- Khi nhiệt độ môi trường tăng lên hoặc một người tham gia vào hoạt động thể chất phải gắng sức nhiều, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
- Ngoài ra, tuần hoàn máu tăng cũng là một yếu tố gây đổ mồ hôi vì nó làm tăng sản sinh nhiệt ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.
- Đồng thời, nếu quần áo chúng ta mặc quá dày hoặc chật, cản trở sự thoát hơi nước của cơ thể cũng sẽ dẫn đến việc đổ mồ hôi nhiều hơn.
- Khi tinh thần bạn căng thẳng cũng sẽ khiến mọi người đổ mồ hôi nhiều hơn.
Có thể thấy, đổ mồ hôi không chỉ là cơ chế điều hòa sinh lý mà còn là sự thích ứng của cơ thể với những thay đổi của môi trường bên ngoài và những biến động của các trạng thái bên trong. Ngoài ra, khi đổ mồ hôi, cơ thể sẽ đồng thời thải ra ngoài một số "chất thải" của quá trình trao đổi chất, lượng nước dư thừa và một số chất độc. Do đó, việc đổ mồ hôi sẽ thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể và rất hữu ích cho sức khỏe của chúng ta.
Đổ mồ hôi vừa phải giúp đào thải độc tố và "chất thải" ra ngoài sẽ có lợi cho cơ thể hơn. (Ảnh minh họa)
Về việc, đổ mồ hôi nhiều hay không ra mồ hôi thì tốt hơn, không có câu trả lời tuyệt đối cho vấn đề này mà phải phân tích, đánh giá dựa trên tình hình cụ thể. Tuy nhiên, so với việc không đổ mồ hôi, đổ mồ hôi vừa phải sẽ tốt hơn cho sức khỏe nếu bạn không ở trong phòng máy lạnh khi trời nóng, có nhiều lợi ích cho cơ thể.
Những dấu hiệu đổ mồ hôi bất thường
Việc đổ mồ hôi vừa phải có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và thải một số chất chuyển hóa cùng độc tố ra ngoài, từ đó giảm gánh nặng cho thận, cải thiện sức khỏe, có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Nhưng việc đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít cũng có thể là dấu hiệu của cơ thể đang gặp trục trặc.
Sự xuất hiện những triệu chứng bất thường khi đổ mồ hôi có thể là phản ứng của cơ thể trước một số vấn đề bên trong hoặc tác động bên ngoài. Sau đây là một số triệu chứng của tình trạng đổ mồ hôi bất thường, mọi người nên chú ý.
1. Đổ mồ hôi đêm
Nếu bạn bị đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm khi ngủ nhưng khi thức dậy lại hết, triệu chứng này thường liên quan đến vấn đề khí âm thiếu hụt và rất có thể là tín hiệu của sự mất cân bằng nội tại trong cơ thể. Đặc biệt dù hiếm nhưng đổ mồ hôi ban đêm là triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư, phổ biến nhất là ung thư hạch.
Đổ mồ hôi nhiều về đêm có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. (Ảnh minh họa)
2. Đổ mồ hôi quá nhiều
Đổ mồ hôi quá nhiều còn gọi là chứng tăng tiết mồ hôi, có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tuyến giáp, tiểu đường hoặc nhiễm trùng. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở những người thừa cân. May mắn là hầu hết vấn đề đổ mồ hôi nhiều đều lành tính.
3. Không đổ mồ hôi
Sau khi đi ngoài trời nắng hoặc hoạt động thể chất nhiều nhưng cơ thể không đổ mồ hôi, bạn cần đặc biệt chú ý vì nó liên quan trực tiếp đến cơ chế điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Đổ mồ hôi là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tự làm mát và giúp duy trì thân nhiệt ổn định. Một khi cơ chế này thất bại và cơ thể không thể tản nhiệt thông qua sự bốc hơi mồ hôi, nhiệt độ bên trong sẽ tiếp tục tăng cao, gây ra hàng loạt khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe.
Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng như vậy, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế ngay lập tức.
Hoạt động thể chất nhưng cơ thể không ra mồ hôi là một dấu hiệu cần chú ý sớm vì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hòa thân nhiệt của cơ thể. (Ảnh minh họa)
4. Mồ hôi vàng
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn thấy mồ hôi của mình có màu sắc bất thường như màu vàng, đó là tín hiệu cảnh báo từ cơ thể rằng bạn đang gặp vấn đề sức khỏe. Sự hình thành mồ hôi vàng thường liên quan đến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao bất thường.
Tình trạng này thường gặp ở các bệnh về hệ thống gan mật như viêm gan, viêm túi mật, xơ gan,... dẫn đến mất cân bằng trao đổi chất trong cơ thể nên mồ hôi tiết ra có màu vàng.
Tất nhiên, màu sắc của mồ hôi không chỉ tượng trưng cho triệu chứng của bệnh tật mà còn có thể liên quan đến chế độ ăn uống hàng ngày. Ví dụ, tiêu thụ quá nhiều một số loại thực phẩm hoặc thuốc trong thời gian ngắn như bí ngô, cà rốt,... cũng có thể khiến mồ hôi chuyển sang màu vàng.
Ăn uống quá nhiều một số loại thực phẩm có thể gây ra mồ hôi vàng. (Ảnh minh họa)
Tóm lại, đổ mồ hôi nhiều hay ít có liên quan chặt chẽ đến thói quen sinh hoạt cá nhân, yếu tố di truyền và tình trạng sức khỏe thể chất. Vì vậy, khi gặp tình trạng đổ mồ hôi bất thường trong cơ thể, mọi người không nên chủ quan và mau chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.