Người mẹ 32 tuổi đã trải qua nhiều lần mất con, trong lần mang thai này dù đã chuẩn bị và theo dõi kỹ lưỡng nhưng chị vẫn bị tiền sản giật ở tuần thai thứ 25.
Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh vừa cứu sống, chăm sóc thành công trẻ sinh non ở tuần thai thứ 25, với cân nặng chỉ 500gam. Bé trai tên G.E, con của chị B.N.D là Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, vừa về nước để theo dõi thai.
Được biết, trước khi sinh bé G.E, chị D đã bị sảy thai 1 lần và thai lưu 2 lần ở tuần 20 và 22 đều do tiền sản giật. Lần mang thai này, khi đến tuần thứ 12, chị D đã về Việt Nam và được theo dõi thai, điều trị tăng huyết áp ở một số bệnh viện tại Hà Nội.
Khi thai được 24 tuần, chị D vào cấp cứu tại BV Phụ sản Trung ương do bị tiền sản giật, tiên lượng rất khó khăn. Sau đó, em bé đã được bác sĩ mổ ở tuần thai thứ 25 do mẹ tiền sản giật nặng, thai suy.
Nhận định đây là một trường hợp rất khó, khi tiền sử của người mẹ nặng nề, trẻ rất chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng suy thai mạn tính, các bác sĩ vẫn nỗ lực hết sức cứu chữa cháu bé.
Em bé hiện 1,8kg và tự thở được, điều hạnh phúc nhất là bé đã được về bên vòng tay mẹ.
BS Phạm Hoàng Thái (TT Sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương) cho biết, ngay sau khi chào đời, cháu bé được cho ăn tối thiểu sớm qua đường tiêu hóa, thức ăn được sử dụng là sữa mẹ, đồng thời, nuôi dưỡng tĩnh mạch và siêu âm tim vào ngày 1, ngày 3, theo dõi định kỳ…
Trong quá trình nuôi dưỡng, cháu bé phải thở máy 41 ngày, thở CPAP 15 ngày, thở oxy 20 ngày. Bắt đầu từ ngày thứ 16 sau sinh, cân nặng của bé G.E tăng đều, trung bình 12%/1 tuần.
Hiện sau khoảng 3 tháng chào đời, trẻ có cân nặng 1.800 gam, đã tự thở khí trời. Trẻ có phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường. Đặc biệt, cháu bé đã có những dấu hiệu cảm xúc như biết cười tự phát, thể hiện sự dễ chịu khi được massage. Mẹ bé được các bác sĩ hướng dẫn chăm sóc con theo phương pháp Kangaroo từ khi bé 76 ngày tuổi.
Theo các bác sĩ, tiền sản giật được xác định là do tăng huyết áp và lượng protein trong nước tiểu tăng cao, có thể xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Một đặc điểm khác của tiền sản giật là tình trạng tổn thương gan hoặc thận. Đôi khi, tiền sản giật có thể xảy ra sau khi sinh. Đây được gọi là chứng tiền sản giật sau sinh.
Các triệu chứng thường gặp của tiền sản giật có thể bao gồm:
- Đau đầu liên tục không dứt;
- Hụt hơi;
- Nhìn mờ, nhìn thấy các điểm hoặc các thay đổi về thị lực khác;
- Đau ở bụng trên hoặc đau vùng vai;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Tăng cân đột ngột;
- Sưng phù tay chân hoặc mặt;
- Cảm giác lâng lâng.
Khi tiền sản giật tiến triển thành các dạng nặng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng bổ sung có thể bao gồm:
- Chức năng gan hoặc thận bất thường;
- Đau bụng;
- Đau đầu dữ dội;
- Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên;
- Thay đổi tầm nhìn;
- Dịch trong phổi;
- Giảm số lượng tiểu cầu trong máu;
- Co giật.
Tiền sản giật gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai, nhất là vào giai đoạn sau của thai kỳ, càng gần lúc đến ngày dự tính sinh thì cần chú ý các dấu hiệu bất thường và có chế độ thăm khám thai hợp lý tại bệnh viện.