Mẹ Hà Nội ân hận khi giao đôi mắt con cho hiệu kính, sai lầm kéo dài suốt một năm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/12/2021 13:15 PM (GMT+7)

Thấy quảng cáo có máy móc hiện đại, người mẹ đưa con đến đo và cắt kính tại hiệu kính mắt. Tuy nhiên do việc đo độ cận bằng máy có sai số nên sau đó đã ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

Mẹ ân hận vì chủ quan khiến thị lực con bị ảnh hưởng

PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, hiện nay rất nhiều phụ huynh đang phó mặc đôi mắt của con mình cho các cửa hàng kính mắt. Điều này cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của trẻ. 

“Các cửa hàng kính mắt đều trang bị máy đo khúc xạ tự động nhưng để xác định mắt trẻ bị cận, loạn,… thì không thể chỉ dựa vào chiếc máy tự động này, mà cần nhiều yếu tố khác”, PGS Đức Anh chia sẻ.

Thực tế quá trình khám bệnh, vị chuyên gia nhãn khoa này đã gặp nhiều trẻ bị ảnh hưởng thị lực vì tin tưởng đo thị lực ở cửa hàng kính mắt. 

PGS Nguyễn Đức Anh đang kiểm tra thị lực cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

PGS Nguyễn Đức Anh đang kiểm tra thị lực cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Đó là trường hợp bé Quang Trường (8 tuổi, ở Hà Nội), độ cận thực tế chưa đến 1 độ nhưng đi đo ở hiệu kính thì lên tới 3 độ. Chị Minh Hạnh, mẹ bé Quang Trường cho biết khoảng một năm trước, con chị kêu mỏi mắt, nhìn mờ, hay chảy nước mắt… Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chị Hạnh không đưa con đến viện vì sợ lây nhiễm. Thay vào đó chị đưa con ra cửa hàng kính thuốc gần nhà để kiểm tra.

Tại đây, bé Trường được đưa vào phòng đo mắt bằng máy rất hiện đại, nhân viên giới thiệu là máy đo khúc xạ tự động. Sau kiểm tra và đo đạc, bé Trường được thông báo bị cận 3 độ và chị Hạnh quyết định cắt kính cho con theo chỉ số này.

Đeo được một thời gian, cộng với việc học online thường xuyên, gần đây bé Trường kêu nhức mỏi mắt nên được bố mẹ đưa đến bệnh viện chuyên khoa mắt kiểm tra. Tại bệnh viện, các bác sĩ khám và tiến hành nhỏ thuốc liệt điều tiết tới 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút và kiểm tra khúc xạ sau liệt.

Kết quả, bé Trường không hề bị cận 3 độ như số kính đang đeo, thực tế bé chỉ cận 1 độ. “Do cháu đeo kính sai số cao trong một thời gian dài, thị lực đã quen với kính cao độ nên khi cho đeo kính theo đúng độ cận thực tế cháu lại không nhìn được. Đây là một điều rất đáng tiếc”, PGS Đức Anh chia sẻ.

Khi được bác sĩ thông báo tình hình của con, chị Hạnh vô cùng ân hận, không ngờ vì sự chủ quan, tin tưởng nhầm vào hiệu kính thuốc mà con chị lại chịu hậu quả nặng nề đến vậy. 

Để kiểm tra thị lực chính xác cần nhiều yếu tố

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cảnh Thắng - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, việc đo thị lực của máy khúc xạ tự động chỉ cho kết quả chính xác nếu được thực hiện bởi các nhân viên kỹ thuật có trình động chuyên môn và kinh nghiệm cao.

Ngoài ra, máy đo khúc xạ chuẩn hay không còn tùy thuộc vào tư thế ngồi của trẻ, trường hợp ngồi lệch cũng sẽ cho kết quả cũng khác. Do vậy, nếu trẻ nhỏ chưa đánh giá được bằng cảm quan thì phải ép cho trẻ đeo theo số kính của kết quả đo, sau đó tiến hành soi bóng đồng tử mới tìm ra được chỉ số khúc xạ thật của trẻ.

Để có kết quả chính xác, kỹ thuật viên đo thị lực bằng máy đo khúc xạ tự động cũng phải có kiến thức, kinh nghiệm cao.

Để có kết quả chính xác, kỹ thuật viên đo thị lực bằng máy đo khúc xạ tự động cũng phải có kiến thức, kinh nghiệm cao.

Cảnh báo về việc đo không chính xác, đeo kính không đúng thị lực, PGS Nguyễn Đức Anh cho biết nếu đeo kính non độ, trẻ không đạt được thị lực tối đa. Còn nếu kính quá độ thì khiến mắt điều tiết quá mức, làm trẻ khó chịu, không đeo kính nữa. Còn nếu đeo lâu dài, trẻ không chỉ bị ảnh hưởng thị lực mà còn bị tác động tâm lý, thần kinh.

Để con có cặp kính chính xác, cha mẹ cần lựa chọn cơ sở kính thuốc đủ chuyên môn, trang thiết bị. PGS Đức Anh cho rằng máy đo khúc xạ tự động là công cụ hỗ trợ việc đo thị lực chứ không phải yếu tố quyết định. 

Trong nhiều trường hợp, máy đo sẽ đánh lừa người khám nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn. Nhiều cháu bé có độ cận thị nhẹ nhưng khi ngồi vào máy đo lại cho ra chỉ số cao hơn nhiều. Lý do là trong khi chờ đợi khám và đo khúc xạ, trẻ tranh thủ xem điện thoại, chơi điện tử khiến điều tiết của mắt tăng cao.

Ngoài vấn đề trên, vị chuyên gia này cho biết việc lựa chọn gọng kính cho trẻ cũng phải phù hợp. “Tôi từng khám cho không ít trẻ đeo cặp kính to chiếm nửa mặt, vừa ảnh hưởng thẩm mỹ vừa tác động tới chất lượng của kính. Nếu mắt kính quá to so với gương mặt, tâm kính sẽ không đúng, điều đó cũng ảnh hưởng đến thị lực của trẻ”, PGS Đức Anh chia sẻ. 

Chuyên gia cảnh báo việc học sinh đeo tấm chắn giọt bắn khi học rất hại mắt, phòng dịch kém
Việc bắt buộc học sinh ngồi học trực tiếp tại trường phải đeo tấm chắn giọt bắn là không nên, vì vừa ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, tác dụng phòng...

Bệnh mắt

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh mắt