Sau khi bị ngứa xung quanh mắt, người phụ nữ đi khám tá hỏa phát hiện loài ký sinh trùng thường trú ẩn ở vùng kín nhưng đã đi lạc chỗ lên tận mi mắt.
Bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi, ở Hà Nội) gần đây có hiện tượng ngứa cộm hai mắt, đặc biệt 2 tháng nay nước mắt chảy ròng ròng, nhỏ thuốc không đỡ. Do tình trạng ngày càng tăng nên bà Hoa đã đến bệnh viện thăm khám.
Bác sĩ Lương Thị Bích Phượng, Chuyên khoa Mắt (bệnh viện Medlatec) cho biết, qua thăm khám phát hiện quanh mắt bệnh nhân ngứa và sưng đỏ, nước mắt chảy nhiều. Khám mắt không phát hiện bệnh, khi dùng kính hiển vi soi trên mi mắt phát hiện nhiều rận mu đang ký sinh, đẻ trứng thành từng chuỗi, chi chít lên lông mi, người bệnh được chẩn đoán viêm bờ mi do rận mu.
Bệnh nhân thừa nhận, từng bị ngứa vùng kín nhưng không điều trị và đây có thể là nguyên nhân khiến rận mu hình thành, phát triển, sau đó di chuyển lên bờ mi ký sinh. Bệnh nhân được bác sĩ kê thuốc và tư vấn hướng vệ sinh đúng cách để điều trị tình trạng trên.
Hình ảnh dưới lớp vảy mí mắt của bệnh nhân xuất hiện nhiều rận mu bám chi chít. Ảnh: BSCC.
Theo bác sĩ Phượng, rận mu là loại côn trùng ký sinh, hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn, thường sống và sinh sản ở vùng da lông mu, vùng sinh dục nhất là ở nam giới. Ngoài ra, rận mu có thể được tìm thấy ở lông mày, lông mi, râu, ria mép, ngực, nách… rất ít gặp ở tóc.
Các nguyên nhân gây bệnh chủ yếu:
- Không vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục thường xuyên;
- Sử dụng chung khăn tắm, đồ lót, đắp chung chăn hay mặc chung quần áo với người bị bệnh;
- Quan hệ tình dục không lành mạnh, không sử dụng biện pháp phòng tránh khiến rận mu lây truyền từ người này sang người khác.
Khi ký sinh, rận mu gây nên tình trạng ngứa ngáy, khó chịu cho thân chủ. Đặc biệt, rận mu sinh sôi nhanh, dễ gây viêm nhiễm vùng bị ký sinh, dễ lây cho người tiếp xúc gần. Do vậy, khi có triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ở mắt, bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.