Sau khi ăn quả dưa lê để trong tủ lạnh, người phụ nữ bỗng xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và phải nhập viện cấp cứu.
Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, các bác sĩ tại khoa mới tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm sau khi ăn dưa lê.
Theo lời kể của bệnh nhân, buổi sáng trước khi vào viện, chị ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, bệnh nhân bắt đầu buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng ý thức tỉnh, kích thích, môi khô, lưỡi bẩn, đau bụng nhiều, nôn ra dịch dạ dày, sốt cao (38,7 độ), huyết áp thấp (90/50mmHg). Bệnh nhân được khám chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời, tình trạng ổn định và được ra viện.
Bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn dưa lê may mắn đến viện kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Hiện nay là thời điểm dưa lê vào mùa, được bán rất nhiều ở các chợ dân sinh, siêu thị và cả những xe bán rong trên đường phố. Các chuyên gia cho biết có hai vấn đề cần lưu ý để tránh không bị ngộ độc là: Lựa chọn kỹ để tránh mua phải dưa có tồn dư hóa chất; Cẩn trọng khi sử dụng, nhất là việc bảo quản để không bị vi khuẩn xâm nhập.
Một số ý kiến cũng cho rằng quả dưa lê có vị ngọt, dễ bị sâu bọ tấn công nên người trồng phải phun các loại thuốc hóa học để chống lại điều này. Hay có một số tin đồn về việc một số người trồng hoặc bán dưa lê bôi hoặc tiêm chất hóa học để dưa được ngọt hơn.
Chia sẻ về vấn đề dưa lê dễ nhiễm thuốc trừ sâu, bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3) cho biết, thông tin tiêm thuốc tạo ngọt vào dưa lê là không đúng vì cấu tạo của loại quả này đã rất ngọt.
Đối với việc phun thuốc trong quá trình gieo trồng, bác sĩ Bay cho biết điều này có thể xảy ra, nhưng khi trái bước vào giai đoạn trưởng thành và chín, người nông dân không cần sử dụng thuốc. Vì vậy, khi trồng đúng kỹ thuật, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được phân tán hết. Trường hợp vì lợi nhuận, không tuân thủ kỹ thuật vẫn có nguy cơ tồn dư hóa chất, nếu hàm lượng tồn dư nhiều có thể gây ngộ độc.
Hai nguy cơ cao nhất khiến người tiêu dùng bị ngộ độc dưa lê đó là tồn dư hóa chất và bảo quản không đúng cách. (Ảnh minh họa)
Một trường hợp khác cũng có thể dẫn tới ngộ độc, đó là quá trình sử dụng không đảm bảo an toàn. Theo đó, dưa lê có vị ngọt, dễ lên men nên nhanh bị hỏng. Khi mọi người gọt ra cần sử dụng hết, không nên tích trữ, đặc biệt là để qua đêm đến hôm sau sử dụng. Như vậy, vi khuẩn sẽ xâm nhập hoặc quá trình bảo quản trong tủ lạnh có thể lây nhiễm chéo vi khuẩn từ đồ ăn khác sang và gây ngộ độc.
Để phòng ngộ độc khi ăn dưa lê, mọi người nên lựa chọn những quả dưa được chứng nhận sản xuất an toàn, chọn quả tròn đều, chắc, da cứng, vỏ đang còn lớp lông măng mỏng, tỏa mùi thơm dễ chịu (nếu dưa bị ngâm hóa chất thì lớp lông măng và mùi hương đều sẽ không còn).
Không chọn những quả vẹo vọ, nứt hoặc đã chín nhũn, vì những quả dưa lê như này ăn vào sẽ rất dễ ngộ độc. Nên mua dưa vào những ngày nắng vì trời càng nắng dưa càng ngọt. Ngược lại không nên mua dưa vào những ngày mưa vì nước mưa sẽ làm dưa nhạt hơn nhiều.
Trước khi ăn cần rửa tay, dụng cụ gọt vỏ như dao và dụng cụ đựng thành phẩm như đĩa, khay đựng hoa quả. Ăn bao nhiêu gọt bấy nhiêu, không bảo quản dưa thừa vì dưa lê dễ lên men, nhanh hỏng gây ngộ độc nếu ăn phải, kể cả bảo quản trong tủ lạnh.