Một cư dân mạng Thái Lan, Napa Payaksing đã đăng tải lên Facebook một đoạn clip người đàn ông ôm xác vợ đã mất vì tiêu chảy nặng trong nhà vệ sinh sau khi ăn chả nem.
Truyền thông Thái Lan đã đưa tin vào lúc 5h30 sáng ngày 27/9, sở cảnh sát huyện Bang Phli, tỉnh Samut Prakan nhận được thông báo rằng có một người phụ nữ đã tử vong trong ngôi nhà số 50/59, Bang Chalong.
Khi cảnh sát và xe cấp cứu tới, người chồng đang ôm lấy thi thể người vợ là cô Orapin Boonlert, 40 tuổi. Theo lời kể của người chồng, khi hai người ăn cơm, người vợ đã lấy món nem mà họ mua ở chợ vào ngày 25/9 và hâm nóng lại.
Người chồng ôm lấy thi thể người vợ đã mất.
Sau đó, khi vợ đang ngồi xem tivi ở phòng khách thì bất ngờ chạy vào nhà vệ sinh bị tiêu chảy. Sau cả tiếng đồng hồ vẫn không thấy người vợ bước ra, người chồng lo lắng gõ cửa kiểm tra nhưng không thấy vợ phản ứng gì nên quyết định xông vào.
Không ngờ, khi mở cửa toilet ra thì thấy vợ bất tỉnh, ngã xuống đất, có chất nôn ở miệng, mũi và sàn toilet. Anh liền bế vợ ra bên ngoài, tiến hành sơ cứu hồi sức tim phổi nhưng không có tác dụng. Người chồng mau chóng gọi đường dây nóng ở Thái Lan để được giúp đỡ nhưng cuối cùng người vợ vẫn không thể qua khỏi.
Được biết, nguyên nhân tử vong sau đó đã được xác định là do ngộ độc thực phẩm. Người vợ bị mất nước, sốc do tiêu chảy kéo dài. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về nguyên nhân tử vong vẫn cần giám định pháp y.
Nguyên nhân được xác định do ngộ độc thực phẩm, có thể do món nem để từ 3 ngày trước.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây nguy hiểm thế nào?
Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra tiêu chảy mà nguyên nhân chính là do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hoặc ăn các thực phẩm có sẵn độc tố như nấm, cá nóc, con so biển. Ngộ độc thực phẩm khá phổ biến nhưng các triệu chứng nhìn chung không quá nặng, có thể tự khỏi trong khoảng 24-48 giờ, tuy nhiên người bệnh cần bổ sung nước đúng lúc, trường hợp nặng phải đến bệnh viện để được điều trị.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ.
Thông thường, ngộ độc thực phẩm gây tử vong là do mất nước và bệnh nhân không được bù nước kịp thời. Cũng có những trường hợp bệnh nhân không thể uống để bù nước vì uống vào nôn ra thì bác sỹ sẽ xử lý cho truyền để bù nước.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng các thuốc uống giảm đau, cầm tiêu chảy vì như thế sẽ khiến bệnh nặng lên do chất độc không thải hết ra ngoài mà tích tụ lại trong dạ dày, ruột gây nhiễm độc nặng toàn thân có thể nguy hiểm tính mạng.
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
- Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, điều đầu tiên cần làm là tìm cách khiến người bị ngộ độc nôn những thức ăn đang ở trong dạ dày ra ngoài. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp người bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê, không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
- Uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh.
- Gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất: Vì mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu, song bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào. Vậy nên, người bị ngộ độc cần được sự trợ giúp và theo dõi từ nhân viên y tế.