Nhờ bác sĩ phát hiện có điểm bất thường trên gương mặt của nữ bệnh nhân mà cô đã may mắn thoát khỏi căn bệnh nhồi máu não.
Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) gần đây đã chia sẻ một ca bệnh đặc biệt được bác sĩ cứu sống chỉ nhờ một dấu hiệu nhỏ trên mũi. Bà Lưu, 65 tuổi trước đó được chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận và phải điều trị sau đó đến viện tái khám.
Trong lúc hướng dẫn bà Lưu một số cách phòng ngừa bệnh tái phát, bác sĩ đột nhiên nhìn thấy có điều kỳ lạ trên gương mặt bệnh nhân nên hỏi: "Khi soi gương cô có cảm thấy hai bên mũi không cân đối không? Cái này vốn trước giờ đều như vậy hay bây giờ mới thấy?".
Bà Lưu nói rằng bản thân không để ý điều đó. Bác sĩ liền hỏi tiếp: "Cơ thể cô gần đây có gì bất thường không? Ví dụ như thiếu sức, tê bì tay chân,...".
Lúc này, bà Lưu mới gật đầu nói rằng cảm thấy cánh tay phải không có sức suốt 2-3 hôm. Sau đó, bác sĩ thăm hỏi thêm một số vấn đề sức khỏe khác thì biết rằng bà Lưu bị bệnh mỡ máu cao, chưa từng kiểm tra tình trạng mạch máu.
Bác sĩ phát hiện hai bên mũi của người phụ nữ không cân xứng, cảnh báo mạch máu có vấn đề. (Ảnh minh họa)
Cách đây 3 ngày, bà bắt đầu cảm thấy chân tay phải yếu đi, hơn nữa còn bị đau cơ, khi kiểm tra miệng cũng phát hiện lưỡi hơi lệch sang trái (lưỡi người bình thường đều ở giữa). Dựa trên những dấu hiệu đó, bác sĩ cho rằng đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhồi máu não. Kết quả chụp CT quả thực cho thấy bà Lưu có nguy cơ nhồi máu não ở não trái.
"Sự xuất hiện đột ngột tình trạng nếp gấp hai bên mũi không đối xứng thường là dấu hiệu của nhồi máu não", bác sĩ giải thích. Thông thường, mọi người sẽ không đặc biệt chú ý đến những thay đổi tinh tế, nhưng các bác sĩ được đào tạo chuyên nghiệp có thể phát hiện ra chúng thông qua quan sát cẩn thận.
Do bác sĩ đã xem xét kỹ hơn trong quá trình tư vấn nên bệnh nhân đã sớm phát hiện ra những nguy hiểm tiềm ẩn của căn bệnh và được cứu sống. Trên thực tế, nhiều bệnh có thể được phát hiện trước thông qua việc quan sát cẩn thận, thậm chí chúng ta có thể tự quan sát, nếu phát hiện có bất thường thì phải kịp thời tìm cách chữa trị.
1. Có nếp gấp ở dái tai - hãy cảnh giác với bệnh tim mạch vành
Khi soi gương, bạn có thể chú ý đến dái tai của mình hơn, nếu dái tai mịn màng đột nhiên xuất hiện một đường hoặc nếp nhăn, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra tim và mạch máu.
Bác sĩ Xie Qiang, trưởng Khoa Tim mạch tại Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) giải thích rằng nếp gấp dái tai này là do xơ cứng động mạch não. Sở dĩ nó có mối tương quan với bệnh tim và bệnh mạch máu là do dái tai là một bộ phận quan trọng của cơ thể và rất nhạy cảm với tình trạng thiếu máu cục bộ. Lưu lượng máu giảm do xơ cứng động mạch có thể làm vỡ các mạch máu ở dái tai, gây ra các nếp gấp.
Vì vậy, nếp gấp dái tai có thể xác định bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch vành trong thực hành lâm sàng. Những người có nếp gấp dái tai dễ mắc bệnh tim mạch hơn nên cần được phòng ngừa và can thiệp càng sớm càng tốt.
2. Xung quanh mắt có đốm nhỏ màu vàng - cảnh giác với mỡ máu cao
Nếu phát hiện xung quanh mắt có mảng bám màu vàng hoặc cam, đậm hơn màu da một chút thì bạn phải cẩn thận, đây là tín hiệu của mỡ máu cao, mỡ máu cao lâu ngày có thể dẫn đến bệnh tim mạch vành.
Sự lắng đọng của chất béo trung tính và cholesterol gây ra xanthomas (u vàng ở da). Các u này có kích thước khác nhau có thể xuất hiện ở nách, háng, thân, cẳng chân, chi trên và các bộ phận khác của cơ thể. Một số nằm rải rác riêng lẻ và một số tập trung dày đặc.
Mặt trong của mí mắt, khuỷu tay, mắt cá chân… cũng là những vị trí thường gặp, khi u vàngxuất hiện trên bề mặt da, lipid máu có thể trở nên bất thường.
Bác sĩ Chen Long, phó Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Zhongda trực thuộc Đại học Đông Nam cho biết những người mắc bệnh u vàng có nguy cơ cao mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ và tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch nghiêm trọng. Nếu thấy quanh mắt có đốm vàng, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra lipid máu, đặc biệt là người trung niên từ 40-60 tuổi phải chú ý.
3. Có khối u ở cổ - cảnh giác với ung thư tuyến giáp
Bác sĩ Fan Youben, trưởng Khoa Phẫu thuật Tổng hợp của Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải cho biết mọi người bình thường hãy quan sát xem hai bên cổ có cân xứng hay không và có chỗ phình ra hay cục u nào không. Đặt tay lên quả táo của Adam và thực hiện động tác nuốt. Nếu có khối u ở tuyến giáp, bạn thường có thể sờ thấy nó.
4. Có mảng đen trên môi - cảnh giác với polyp ruột
Đường ruột cũng là một trong những thành phần quan trọng của hệ tiêu hóa, sức khỏe của đường ruột có thể được đánh giá bằng cách quan sát những thay đổi trên môi.
Bác sĩ y học cổ truyền nổi tiếng ở Trung Quốc, Wang Hongmo nói rằng một số lượng đáng kể bệnh nhân mắc polyp ruột non sẽ có triệu chứng trên môi có mảng đen, có thể có màu tím đen, cũng có thể là màu đen tuyền. Việc mắc polyp đường ruột có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư đường ruột.
5. Sự thay đổi của nốt ruồi - hãy cẩn thận với khối u ác tính
Bác sĩ Lian Bin, phó khoa Ung thư thận và khối u ác tính tại Bệnh viện Ung thư Đại học Bắc Kinh chỉ ra rằng nốt ruồi trên cơ thể cũng có nguy cơ chuyển thành ác tính. Nốt ruồi có khả năng chuyển dạng ác tính thường có một số đặc điểm sau:
- Không đối xứng.
- Đường viền không đều, mép của nốt ruồi lành tính trên da gọn gàng và tròn trịa, trong khi mép của khối u ác tính thường không đều nhau.
- Màu sắc đa dạng, nốt ruồi lành tính thường đơn sắc, trong khi khối u ác tính chủ yếu biểu hiện dưới dạng màu đen, nhưng cũng có màu nâu hoặc thậm chí màu trắng với các sắc thái khác nhau và trộn lẫn với nhau.
- Đường kính > 6mm. Khối u ác tính thường lớn hơn nốt ruồi thông thường, đường kính thường lớn hơn 6mm, trong trường hợp này cần quan sát xem nốt ruồi có xu hướng tiếp tục phát triển hay không.