Thống kê mới nhất vào năm 2015 cho thấy tại Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở các cặp đôi có tỷ lệ 40% do nữ, 40% do nam, 20% chưa rõ nguyên nhân.
Theo BSCKI. Nguyễn Thị Nhã - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện, hiện trạng vô sinh hiếm muộn rất đáng lo ngại. Thống kê mới nhất của BV Phụ sản Trung ương, Bộ Y tế, nước ta có 7,7% trong tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (tương đương hơn 1 triệu cặp vợ chồng) gặp phải các vấn đề vô sinh hiếm muộn.
BS. Nhã cho biết, một trong những nhân tố quan trọng nhất trong quá trình điều trị vô sinh đó là xác định nguyên nhân là do vợ, chồng hay do cả hai; hay do vô sinh không rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị thích hợp.
Các nguyên nhân gây vô sinh nữ: phải kể đến đó là không có rụng trứng do bẩm sinh, tuổi cao, hậu quả của phẫu thuật hoặc điều trị hóa chất. Rối loạn phóng noãn do buồng trứng đa nang, suy tuyến yên, hội chứng thượng thận sinh dục. Rối loạn phóng noãn cũng có thể xảy ra khi đời sống gặp áp lực, căng thẳng. Ngoài ra còn các nguyên nhân về bất thường đường sinh dục, không có âm đạo, không có tử cung, cổ tử cung, dính tử cung do viêm, lao, cắt tử cung...
Với vô sinh nam: thường do không có tinh trùng vì không có quá trình sinh tinh do suy tinh hoàn hoặc do tắc nghẽn hệ thống dẫn tinh. Bệnh nhân nam có tinh trùng nhưng yếu, ít, bất thường về số lượng, độ di động, hình thái... Nguồn gốc của vấn đề này có thể do bất thường bẩm sinh về gen, hoặc hệ quả của các bệnh quai bị, viêm tinh hoàn... Đáng chú ý, uống rượu hút thuốc, sử dụng ma túy và tuổi cao cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Do đó, BS. Nhã khuyến cáo, ngoài các yếu tố bẩm sinh không thể phòng ngừa, thì lối sống và việc theo dõi sức khỏe định kỳ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản.