Nhuộm tóc là sở thích làm đẹp của không ít người, nhất là các chị em. Tuy nhiên nhiều người cũng lo ngại về vấn đề nhuộm tóc có hại không, đặc biệt nếu nhuộm liên tục hoặc nhuộm khi đang mang thai.
Thuốc nhuộm tóc phổ biến như son môi, với nhiều màu sắc khác nhau được các chị em yêu thích. Nhưng một số nhà nghiên cứu cho biết những sản phẩm làm đẹp này có mặt trái xấu xí.
Nhuộm tóc có thể gây ra những hậu quả bất lợi mà mà bạn nên biết trước khi làm đẹp theo hình thức này.
Nhuộm tóc có hại không?
Nhuộm tóc chắc chắn có gây hại nhưng tùy vào mức độ, loại thuốc nhuộm và tần suất thực hiện. Lưu ý: Tất cả thông tin đưa ra dưới đây đều liên quan đến thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn.
1. Gây hỏng tóc
Thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn thường chứa amoniac (hoặc các hóa chất tương tự như nó) và peroxide. Amoniac phá vỡ cấu trúc sợi tóc của bạn và peroxide vô hiệu hóa (hoặc tẩy trắng) sắc tố tự nhiên trong tóc, loại bỏ màu sắc vốn có. Quá trình này làm giãn các lớp biểu bì tóc để tiếp cận vỏ tóc và tẩy đi sắc tố tự nhiên của tóc, về cơ bản, nó làm hư tổn tóc.
Việc xử lý tóc quá nhiều với những hóa chất này sẽ khiến tóc mất đi độ bóng mượt, dễ gãy rụng. Mặc dù tóc đã qua xử lý có thể được hồi sinh ở một mức độ nhất định với các liệu pháp chăm sóc tóc, nhưng cách duy nhất để loại bỏ những hư tổn do quá trình xử lý là cắt tóc đi.
2. Phản ứng dị ứng
Thuốc nhuộm tóc gây ra phản ứng dị ứng không hề hiếm, đặc biệt là thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn vì nó có chứa paraphenylenediamine (PPD), là một chất gây dị ứng phổ biến.
Những người bị viêm da tiếp xúc đặc biệt dễ bị phản ứng vì PPD và các hóa chất khác có trong thuốc nhuộm. Những người mắc các bệnh về da, như bệnh chàm và bệnh vẩy nến, cũng nên hạn chế sử dụng thuốc nhuộm tóc để tạo màu tóc. Trong trường hợp nhẹ hơn, thuốc nhuộm vĩnh viễn có thể gây ngứa, kích ứng da, mẩn đỏ hoặc sưng tấy trên da đầu hoặc các vùng nhạy cảm khác như mặt và cổ.
Một điều nữa cần lưu ý khi sử dụng những loại thuốc nhuộm này là dù trước đây bạn không bị dị ứng nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không bị trong tương lai. Bạn càng nhuộm tóc nhiều, bạn càng có nhiều khả năng bị dị ứng.
3. Có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản
Các nghiên cứu về vấn đề này vẫn chưa nhất quán. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có sự hấp thụ toàn thân tối thiểu của các sản phẩm tóc nhưng một số khác lại nói rằng thuốc nhuộm tóc có thể không thực sự ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc mang thai. Tuy nhiên, vì một số nguy cơ có thể vẫn xảy ra khi tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc trong thời gian dài nên tốt hơn hết bạn nên tránh dùng thuốc nhuộm tóc nếu đang muốn thụ thai hoặc đang mang thai
4. Bệnh hen suyễn
Hen suyễn là một trong những triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc nhuộm tóc. Tiếp tục hít phải các hóa chất trong thuốc nhuộm tóc có thể dẫn đến ho, thở khò khè, viêm phổi, khó chịu ở cổ họng và lên cơn hen suyễn.
5. Một số hóa chất nhuộm tóc có thể liên quan đến ung thư
Viện Ung thư Quốc gia của Mỹ giải thích rằng có hơn 5.000 hóa chất được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc. Không phải tất cả chúng đều có liên quan đến ung thư, nhưng một số được cho là gây ung thư.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về việc liệu thuốc nhuộm tóc có thể gây ung thư vẫn chưa được rõ ràng. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để thiết lập mối liên hệ chắc chắn giữa việc sử dụng thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn và bệnh ung thư.
Nhuộm tóc nhiều lần có sao không?
Số lần bạn nhuộm tóc có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Theo một nghiên cứu năm 2001 của Đại học Nam California (Mỹ), những phụ nữ nhuộm tóc bằng thuốc nhuộm cố định ít nhất một lần một tháng trong một năm hoặc lâu hơn có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang gấp đôi so với những người không nhuộm. Nguy cơ tăng gấp ba nếu bạn đã sử dụng thuốc nhuộm vĩnh viễn trong 15 năm trở lên và tăng 50% nếu bạn là nhà tạo mẫu hoặc thợ cắt tóc chuyên nghiệp làm việc với thuốc nhuộm chỉ trong một năm. Nó có hại gấp 5 lần đối với các nhà tạo mẫu tóc đã tiếp xúc với thuốc nhuộm hơn 10 năm.
Ung thư bàng quang không phải là căn bệnh duy nhất đáng sợ. Theo một nghiên cứu kéo dài 4 năm được công bố trên tạp chí Dịch tễ học Mỹ (American Journal of Epidemiology), những phụ nữ sử dụng thuốc nhuộm vĩnh viễn 8 lần một năm hoặc nhiều hơn trong ít nhất 25 năm có nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin (NHL) cao gấp đôi.
Tuy nhiên vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu với phạm vị rộng hơn mới có thể khẳng định chắc chắn rằng liệu nhuộm tóc có gây ung thư hay không và cụ thể thành phần nào gây ung thư.
Ai không nên nhuộm tóc?
1. Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh
Thuốc nhuộm tóc có thể an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai cho cả mẹ và thai nhi vì sự hấp thụ qua da là rất ít, theo Đại học Sản phụ khoa Mỹ. Dù vậy, để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai không nên nhuộm tóc và hạn chế tiếp xúc với các hóa chất làm tóc khác ít nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Các nghiên cứu lớn do Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) tài trợ về ảnh hưởng của thuốc nhuộm trong thời kỳ mang thai đang được tiến hành trên toàn thế giới, theo dõi phụ nữ từ khi mang thai đến khi sinh con.
Ngoài ra, phụ nữ trong khoảng 6 tháng đầu sau khi sinh cũng nên tránh nhuộm tóc. Một số hóa chất có thể gây ra mùi khó chịu với trẻ hoặc gây dị ứng nếu vô tình tiếp xúc với làn da non nớt của trẻ nhỏ. Hơn nữa, nhuộm tóc vào lúc này còn gây ra rụng tóc, gàu ngứa cho người mẹ.
2. Người dị ứng thuốc nhuộm
Nhiều người có thể bị dị ứng với một số hóa chất trong thuốc nhuộm nhưng không phải ai cũng biết hoặc biết rồi nhưng vẫn chấp nhận việc này.
Trong thuốc nhuộm tóc có chất phenylenediamine - một chất dễ gây dị ứng nhất. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra như đau rát da dầu, vùng cổ nếu tiếp xúc với thuốc nhuộm, rụng tóc, bỏng cho đến viêm da, nhiễm trùng, ngộ độc hoặc thậm chí là tử vong. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng nặng hoặc từng phải điều trị y tế vì dị ứng.
Khi nhuộm tóc cũng nên test thử một vùng nhỏ trước khi quyết định làm.
3. Người bị suy thận
Thuốc nhuộm tóc, nhất là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen có thể xâm nhập vào cơ thể. Tiếp xúc lâu dài có thể gây hại cho thận và nhiều cơ quan nội tạng khác.
Đặc biệt, với những người suy thận, thuốc nhuộm tóc có thể làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Bởi vì thận khi bị suy yếu có thể sẽ không kịp xử lý và đào thải chất độc hại, kim loại nặng ra ngoài cơ thể, tích tụ dần gây nguy hiểm.
4. Người bị thương ngoài da hoặc đang dùng kháng sinh
Nếu bạn có mụn nhọt, bệnh bã nhờn hoặc tổn thương da trên đầu và mặt thì không nên nhuộm tóc. Hóa chất trong thuốc nhuộm có thể khiến vết thương tồi tệ hơn như viêm loét, nhiễm trùng hoặc hoại tử phần da bị thương.
Ngoài ra, người đang dùng kháng sinh cũng nên tạm thời tránh nhuộm tóc bởi trong thuốc nhuộm có một số hóa chất có thể gây ra phản ứng tiêu cực với kháng sinh, không chỉ làm mất tác dụng của thuốc mà còn gây ngộ độc, dị ứng.
Nguồn tham khảo: - 7 Side Effects Of Hair Dyeing - Style Craze - Xuất bản ngày 2/2/2022 - Is Coloring Hair Safe? - Everyday Health - Xuất bản ngày 15/11/2017 |