Theo các bác sĩ, trẻ thừa cân, béo phì khi bị tiểu đường dễ chuyển nặng, nguy kịch tính mạng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Bé Hoàng Anh (11 tuổi, ở Vĩnh Long) trước đó bị nôn ói khoảng một tuần, có uống thuốc nhưng không giảm. Mới đây, em được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) khám trong tình trạng nôn ói, mệt và thở nhanh.
Khi khám cho bệnh nhi, các bác sĩ nghi ngờ em có dấu hiệu của bệnh tiểu đường nên cho thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả xét nghiệm glucose máu của bé là: 36 mmol/L; HbA1c: 11,9%; cetone nước tiểu: 30 mmol/L và khí máu động mạch: pH: 7.2. Từ kết quả này, em được chẩn đoán bị nhiễm cetone đái tháo đường.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển lên khoa Nhi để điều trị. Tại đây, bé được chỉ định truyền insulin liên tục, truyền dịch, tạm nhịn ăn. Sau hai ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm toan của bé được cải thiện, đường huyết dần ổn định theo mục tiêu nên các bác sĩ quyết định cho bé chuyển sang insulin tiêm dưới da, lập kế hoạch về chế độ ăn và tiêm insulin mỗi ngày.
Sau 12 ngày điều trị, đường huyết dần được kiểm soát, bé được xuất viện.
Một bé gái nguy kịch khi bị bệnh tiểu đường do uống nhiều nước ngọt. Ảnh: BSCC.
Theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), đái tháo đường ở trẻ em là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ chất đường dẫn đến nồng độ đường trong máu vào buổi sáng chưa ăn, cao hơn mức bình thường từ 126mg% trở lên.
Nguyên nhân cơ bản của sự rối loạn này là thiếu chất insulin sản xuất bởi tuyến tụy (tiểu đường tuýp 1) hoặc khiếm khuyết tác động của insulin (tiểu đường tuýp 2). Trẻ nam và trẻ nữ có thể mắc bệnh như nhau. Bệnh thường có liên quan đến nhiễm siêu vi cúm, quai bị, coxsackie B4, rubella, CMV (cytomegalovirus).
Thông thường, nhóm trẻ bị đái tháo đường cao nhất là từ 5-7 tuổi, tương ứng với thời điểm tăng tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng khi bắt đầu đi học và nhóm tuổi dậy thì tương ứng với lúc tăng tiết hormone sinh dục, hormone tăng trưởng và các stress ở lứa tuổi này.
Theo bác sĩ Tiến, hiện nay, đa số trẻ thường mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Một số ít trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường là trẻ bị dư cân, béo phì.
“Triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường ở trẻ là ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thường gọi là triệu chứng “bốn nhiều”. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng hiện nay, ít gặp trẻ tiểu đường biểu hiện cả triệu chứng “bốn nhiều”.
Thông thường, trẻ chỉ gặp các triệu chứng: ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê), cũng có trẻ biểu hiện qua suy giảm sức đề kháng cơ thể như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng hay biểu hiện thần kinh như tê rần như kiến bò ở chân, mạch máu võng mạc: giảm thị lực, hoa mắt. Trước đó, trẻ có thể biểu hiện đơn thuần là nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp hay đường tiêu hóa hay đường tiểu.
Vị bác sĩ này cũng khuyến cáo đái tháo đường là bệnh lý ít gặp ở trẻ em nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời dễ gây tình trạng nhiễm cetone, hôn mê, tổn thương não và nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi con có các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa đến các cơ sở y tế khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Tiến cũng khuyên cha mẹ cần cho trẻ ăn uống điều độ, vận động đều đặn để có sức khỏe tốt, tránh được các căn bệnh nguy hiểm, trong đó có tiểu đường.
* Tên bệnh nhi đã thay đổi.