Bệnh nhân ung thư cổ tử cung sinh được con, bác sĩ vừa vui vừa nhắc một dấu hiệu sớm nhiều chị em lơ là

DIỆU THUẦN - Ngày 19/07/2024 09:37 AM (GMT+7)

Ngoài nữ bệnh nhân này còn có thêm 3 người khác sinh con thành công sau khi phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Với bác sĩ Tiến, đây là niềm vui lớn những thầy thuốc khám và điều trị bệnh ung thư phụ khoa.

Nữ bệnh nhân ung thư cổ tử cung sinh “bé rồng” khỏe mạnh, nặng 3,1kg

Mang thai, sinh con là điều rất thiêng liêng với nhiều phụ nữ. Nhưng với những người không may mắc ung thư, nhất là ung thư cổ tử cung thì đây lại là việc khó khăn. May mắn, kỹ thuật mới trong điều trị ung thư cổ tử cung đã có thể cho phép họ hiện thực hóa khát khao làm mẹ. 

Mới đây, BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã chia sẻ một  trường hợp nữ bệnh nhân quê Thanh Hóa sinh con trai khỏe mạnh, nặng 3,1kg vào đầu tháng 7. Ca phẫu thuật do BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) thực hiện. Điều đặc biệt ở sản phụ này là trước đó chị mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, được bác sĩ Tiến điều trị và phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng kỹ thuật không cắt cổ tử cung tận gốc.

Sản phụ mắc ung thư cổ tử cung sinh con khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

Sản phụ mắc ung thư cổ tử cung sinh con khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

Sau phẫu thuật, sức khỏe chị sớm phục hồi nên có thể mang thai, sinh con như mong muốn. Suốt thai kỳ, chị tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và được bác sĩ theo dõi sát các thông tin về sức khỏe. “Đây là một tin vui trong sáng nay từ một đồng nghiệp và từ một người chị người thầy của tôi. Ung thư cổ tử cung có thể sinh đẻ được nếu phát hiện giai đoạn sớm. Xin cảm ơn các đồng nghiệp trong khoa đã chung tay làm nên lịch sử và không hổ thẹn khi đã nhận được giải: thành tựu y khoa Việt Nam trong phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung”, bác sĩ Tiến vui vẻ chia sẻ.

Bác sĩ Tiến cho biết, ngoài sản phụ trên, trước đó có 3 người mắc ung thư cổ tử cung sinh con thành công. “Tôi và các đồng nghiệp đã phẫu thuật trên 20 ca ung thư cổ tử cung cắt cổ tử cung không tận gốc bảo tồn sinh sản trong 5 năm qua. Vậy là đã có 4 ca sinh con thành công rồi. Hiện có 2 ca đang mang bầu, dự kiến trong năm tới sẽ sinh”, bác sĩ Tiến chia sẻ và cho biết, đây là niềm vui của những người làm việc trong ngành y, nhất là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân không may mắc ung thư. 

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung sớm, nhiều người dễ nhầm thành bệnh khác

Bác sĩ Tiến cho biết, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh thường gặp ở nữ, do virus HPV, hành vi tinh dục hay thói quen ăn uống gây nên. Theo thống kê của GLOBOCAN (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), hiện nước ta có hơn 4000 phụ nữ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung và hơn 2000 ca tử vong. Nếu như trước đây, khi mắc bệnh này, việc sinh con của các chị em sẽ khó hoặc không thể. Hiện nay, nhờ áp dụng kỹ thuật không cắt cổ tử cung tận gốc, sau khi phẫu thuật cắt khối u, người bệnh vẫn có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, người bệnh cần được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. 

Bác sĩ Tiến đang phẫu thuật cho 1 ca ung thư cổ tử cung. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến đang phẫu thuật cho 1 ca ung thư cổ tử cung. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Tiến, một trong những dấu hiệu báo động ung thư cổ tử cung là xuất huyết âm đạo bất thường các chị em nên lưu ý. “Đây cũng là triệu chứng thường gặp nhất”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Xuất huyết âm đạo thường được chia làm hai loại là có tính chu kỳ (hay còn gọi là kỳ kinh nguyệt) và không có tính chu kỳ. Tất cả các trường hợp ra máu âm đạo không liên quan kỳ kinh đều là bất thường. Tuy nhiên, nếu trong lúc hành kinh xuất hiện các bất thường về lượng hay tính chất máu kinh thì cũng được xem là xuất huyết âm đạo bất thường.

Trong trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu... thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, những bệnh lý khác ở "vùng kín" như viêm nhiễm phần phụ cũng có thể gây ra xuất tiết dịch âm đạo bất thường. Vì vậy, bạn phải đi khám phụ khoa mới có thể xác định được nguyên nhân chính xác nhất.

Ngoài dấu hiệu trên còn có các triệu chứng khác thường gặp như có thể đau và chảy máu ít sau khi quan hệ tình dục, thay đổi thói quen đi tiểu như đi tiểu thường xuyên, cần tiểu gấp, khó chịu khi đi tiểu có thể sẽ khiến bạn nghĩ tới các bệnh liên quan tới tiết niệu hay do đau vùng bụng dưới. “Trong ung thư cổ tử cung giai đoạn bệnh tiến xa, khi bướu cổ tử cung chèn ép, các cấu trúc xung quanh có thể gây cho người bệnh mắc phải “tam chứng bi thảm” bao gồm đau vùng bụng dưới, bí tiểu và phù chân”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh. 

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, các chị em nên đi khám sớm khi có các bất thường. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, các chị em nên đi khám sớm khi có các bất thường. Ảnh: BSCC.

Hay triệu chứng thiếu máu cũng cần cân nhắc. Theo bác sĩ Tiến, thiếu máu có thể xảy ra với bất kỳ bệnh ung thư do tình trạng viêm mạn tính, giảm sản xuất erythropoietin và giảm chuyển hóa sắt. Đặc biệt, đối với bệnh ung thư cổ tử cung, thiếu máu có thể nặng nề hơn khi kèm theo tình trạng ra huyết âm đạo kéo dài.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, khi có các dấu hiệu trên, các chị em nên đi khám để biết nguyên nhân chính xác, tránh phải hối hận khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Nếu được phát hiện ung thư cổ tử cung sớm thì người bệnh có tỷ lệ sống cao, chi phí điều trị thấp, có thể bảo tồn tử cung để tăng cơ hội mang thai, sinh con như trường hợp của sản phụ trên.  

Mang thai lần 4 lúc 23 tuổi, cô gái phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ nhắc tới thủ phạm ít ai ngờ
Đang mang thai con thứ tư ở tuần thai thứ 20, Quyên thấy có bất thường ở vùng kín nên rất lo lắng. Dù mắc ung thư, người mẹ trẻ đã sinh 3 lần vẫn...

Ung thư cổ tử cung

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con