Với những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin phải trải qua nhiều giai đoạn từ khám sức khỏe cho đến việc kiểm soát chặt chẽ sau khi tiêm.
Video: Nữ tình nguyện viên chia sẻ về việc tham gia thử nghiệm vắc xin lâm sàng.
Sẵn sàng tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin
Dự kiến ngày 17/12, Việt Nam chính thức tiêm thử nghiệm mũi vắc xin phòng COVID-19 trên người đầu tiên tại Việt Nam. Trong ngày 10/12, tại Học viện Quân y đã tiến hành tiếp nhận các tình nguyện viên tự nguyện đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Có mặt tại rất sớm tại khu vực đăng ký thử nghiện vắc xin phòng COVID-19, bạn N.T.T.M. (20 tuổi, quê Ninh Bình) sau khi được các bác sĩ tư vấn đã chính thức ký vào tờ đơn tình nguyện tham gia thử nghiệm.
M. chia sẻ mục đích đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin là mong muốn sớm đưa ra loại vắc xin phòng COVID-19 nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch này ở Việt Nam và thế giới. Trước khi tham gia đăng ký, qua báo chí, M. đã biết được thông tin về việc thử nghiệm vắc xin và việc đăng ký này chỉ là bước đầu vì sau đó còn phải trải qua quá trình khám sức khỏe kỹ lưỡng nếu đủ điều kiện thì mới được tiêm.
M. (ngồi hàng đầu) đang đăng ký tham gia tình nguyện thử nghiệm vắc xin lâm sàng.
Trước câu hỏi đây mới là vắc xin thử nghiệm sẽ có độ rủi ro nhất định, M. cho rằng khi đã quyết định thì bản thân chấp nhận rủi ro. "Nếu ai cũng lo sợ thì ai sẽ tham gia thử nghiệm, Việt Nam bao giờ mới có vắc xin" M. nói.
Đang là sinh viên năm thứ 3 nên khi tham gia thử nghiệm M. phải thông báo cho gia đình trước, may mắn cả gia đình đã đồng ý với quyết định của M., thậm chí có thành viên còn mong muốn được tham gia thử nghiệm cùng.
"Chị tôi đang có bầu và muốn tham gia thử nghiệm. Tôi đã hỏi các bác sĩ tư vấn và họ trả lời nếu sức khỏe đảm bảo sẽ được tham gia đăng ký thử nghiệm. Sau khi đăng ký sau tôi sẽ thông báo việc này với chị gái", M. nói.
Bạn V.T.T.H. (20 tuổi, quê Hải Dương) hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Học viện Quân y cũng có mặt rất sớm tại khu vực đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin lâm sàng. H. cho biết, do là sinh viên trường y nên việc tham gia thử nghiệm này càng có ý nghĩa vì đã làm được một việc có ích cho cộng đồng.
H. cho rằng việc tham gia thử nghiệm là việc làm vì cộng đồng.
Được biết, để tham gia thử nghiệm vắc xin, H. cùng những tình nguyện viên khác phải tham gia kiểm tra sức khỏe rất kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề về phản ứng với thuốc, bệnh hô hấp và bệnh mãn tính…
“Là người thử nghiệm vắc xin đầu tiên, bản thân em rất hồi hộp vì COVID-19 là đại dịch nguy hiểm trên thế giới. Khi Việt Nam sản xuất và thử nghiệm vắc xin, em muốn mình góp phần nhỏ bé để sớm đưa vắc xin ra cộng đồng”, H. nói.
Nữ sinh này cho biết trước khi đăng ký tham gia thử nghiệm, bản thân đã tìm hiểu rất kỹ về loại vắc xin này nên khá an tâm. “Qua tìm hiểu em được biết, loại vắc xin phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất được làm từ protein tái tổng hợp gen, protein này có đặc hiệu với virus SARS-CoV-2, nên khá an toàn khi tham gia”, H. chia sẻ.
H. cũng cho biết khi tham gia chương trình thử nghiệm sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi theo quy định như đóng bảo hiểm, thăm khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình thử nghiệm và sau đó.
TS Nguyễn Ngô Quang cho rằng, dù là thử nghiệm lâm sàng nhưng vẫn phải đặt sự an toàn lên trên hết.
Thử nghiệm cũng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu
Tại buổi Lễ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 trên người Việt Nam diễn ra vào sáng nay, TS. Nguyễn Ngô Quang, Chánh văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết, dù đây là chương trình thử nghiệm nhưng luôn phải đặt sự an toàn lên hàng đầu.
Theo đó, để tiến hành thử nghiệm các đơn vị sản xuất vắc xin cần phải có đầy đủ hồ sơ nghiên cứu tiền lâm sàng hoàn chỉnh, trong đó có những kết quả liên quan đến độc tính, tính an toàn, tính sinh miễn dịch và bước đầu xác định liều tối ưu để có thể sử dụng lâm sàng trên người.
Hiện tại Việt Nam đã có 4 nhà sản xuất tham gia nghiên cứu và phát triển vắc xin COVID-19 với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong đó, có 2 nhà sản xuất đã hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền lâm sàng.
“Hiện Bộ Y tế đã thẩm định các hồ sơ nghiên cứu lâm sàng của nhà sản xuất Nanogen với vắc xin Nanocovax. Hội đồng đã đánh giá bước đầu những kết quả tiền lâm sàng của vắc xin này đáp ứng yêu cầu liên quan đến tính an toàn, các kết quả về độc tính, về tính sinh miễn dịch cũng như xác định liều ban đầu để chúng ta có thể triển khai nghiên cứu trên lâm sàng.
Hội đồng cũng đã thông qua và cho phép nhà sản xuất phối hợp với nhóm chuyên gia, các nhà khoa của Học viện quân y để xây dựng hồ sơ nghiên cứu trên lâm sàng. Đây là một trong những bước tiến của các nhà khoa học việt Nam trong nghiên cứu, phát triển các vắc xin để phòng chống đại dịch COVID-19”, ông Quang chia sẻ.
Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, trong giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm trên 60 người, độ tuổi từ 18 đến 50 và được chia thành 3 nhóm, với liều tiêm khác nhau. Dự kiến mũi một sẽ được tiêm vào ngày 17/12 và sau 28 ngày sẽ tiêm tiếp mũi thứ hai. Tất cả những người tình nguyện sẽ được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm trước khi tiêm.
“Hiện, Học viện Quân Y đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc thử nghiệm. Trong sáng nay, đã có khoảng 500 người tình nguyện trong độ tuổi từ 18 đến trên 20 tuổi đến đăng ký tình nguyện tham gia thử nghiệm”, Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đúng như dự kiến, thì đến tháng 2/2021 sẽ kết thúc giai đoạn 1,2 thử nghiệm lâm sàng. Sau đó sẽ triển khai giai đoạn 3. Nếu giai đoạn 3 tiếp tục thành công, thì dự kiến vắc xin này sẽ được sử dụng vào cuối năm 2021.