Ngày 2/12, Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc xin COVID-19, vượt trước Mỹ và châu Âu sau khi cơ quan quản lý Anh cho phép vắc xin do Pfizer và BioNTech phát triển để sử dụng khẩn cấp trong thời gian kỷ lục.
Anh cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19
Loại vắc-xin này sẽ được tung ra thị trường từ đầu tuần tới trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 chậm chạp với số người chết vì COVID-19 tồi tệ nhất ở châu Âu.
Vắc xin được coi là cơ hội tốt nhất để thế giới quay trở lại bình thường trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã giết chết gần 1,5 triệu người và làm suy giảm nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, Vương quốc Anh dự kiến sẽ có "hàng triệu liều" vào cuối năm nay.
Từ đầu tuần sau, vắcxin COVID-19 của Anh sẽ có mặt trên thị trường.
Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho biết, vắc xin của họ có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 là 95%, cao hơn nhiều so với dự kiến.
Pfizer cho biết việc cho phép sử dụng khẩn cấp của Anh đánh dấu một thời điểm lịch sử trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Trung Quốc đã phê duyệt khẩn cấp ba loại vắc xin thử nghiệm và đã tiêm cho khoảng 1 triệu người kể từ tháng 7. Nga đã tiêm vắc-xin cho các nhân viên tuyến đầu sau khi phê duyệt vắc xin Sputnik V vào tháng 8 trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối về tính an toàn và hiệu quả.
Theo Hà Thu- Tiền Phong
Sau khi tiêm vào người, vắc xin COVID-19 hoạt động như thế nào?
Việc tiêm vắc xin nhắc nhở hệ miễn dịch sản xuất kháng thể và tế bào T để tiêu diệt các tế bào nhiễm virus.
Nếu bệnh nhân mắc COVID-19, kháng thể và tế bào T sẽ được kích hoạt để tiêu diệt virus SARS-CoV-2.
Vắc xin COVID-19 bao gồm các mảnh (protein) vô hại của virus gây ra COVID-19 thay vì toàn bộ vi trùng. Sau khi được tiêm chủng, hệ miễn dịch của chúng ta nhận ra rằng các protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra các tế bào lympho T và kháng thể.
Ảnh minh hoạ
Để hiểu phương thức hoạt động của vắc-xin COVID-19, trước tiên cần xem xét cách cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật. Khi vi trùng, chẳng hạn như virus gây ra COVID-19, xâm nhập vào cơ thể chúng ta, chúng sẽ tấn công và sinh sôi. Sự xâm lấn này, được gọi là nhiễm trùng, là nguyên nhân gây bệnh. Hệ miễn dịch của chúng ta sử dụng một số công cụ để chống lại nhiễm trùng. Máu chứa các hồng cầu mang oxy đến các mô và cơ quan, và các tế bào bạch cầu hoặc tế bào miễn dịch, chống lại nhiễm trùng.
Lần đầu tiên một người bị nhiễm virus gây ra COVID-19, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để cơ thể họ tạo ra và sử dụng tất cả các công cụ chống vi trùng cần thiết để vượt qua nhiễm trùng. Sau khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch của người đó ghi nhớ những gì đã học được về cách bảo vệ cơ thể.
Cơ thể giữ một số tế bào lympho T, được gọi là tế bào bộ nhớ, hoạt động nhanh chóng nếu cơ thể gặp lại cùng một loại virus. Khi các kháng nguyên quen thuộc được phát hiện, các tế bào lympho B sản xuất kháng thể để tấn công chúng. Các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu thời gian các tế bào bộ nhớ này bảo vệ một người chống lại virus gây ra COVID-19.
Vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch đối với virus gây ra COVID-19 mà chúng ta không cần phải mắc bệnh. Các loại vắc-xin khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau để bảo vệ, nhưng với tất cả các loại vắc-xin, cơ thể còn lại nguồn cung cấp tế bào lympho T “ghi nhớ” cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi rút đó trong tương lai .
Thường mất vài tuần để cơ thể sản xuất tế bào lympho T và tế bào lympho B sau khi tiêm chủng. Do đó, một người có thể bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc ngay sau khi tiêm chủng và sau đó nhiễm bệnh vì vắc xin không có đủ thời gian để bảo vệ.
Đôi khi sau khi tiêm chủng, quá trình xây dựng khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như sốt. Những triệu chứng này là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang xây dựng khả năng miễn dịch.
Theo Hà Thu- Tiền Phong