Khoảng 15h ngày 26/3, khi tham gia hoạt động ngoài trời, một nữ sinh lớp 7 ở TP Lạng Sơn, đột ngột ngất xỉu và tử vong sau đó. Nguyên nhân ban đầu được xác định là nhồi máu cơ tim.
Khoảng 15h ngày 26/3, trong khi tham gia hoạt động ngoài trời, một nữ sinh lớp 7, trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, đột ngột ngất xỉu và tử vong sau đó.
Trong khi tham gia cắm trại, nữ sinh này bỗng nhiên tái mặt, ngất xỉu. Mặc dù được thầy cô giáo và gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cấp cứu, em không qua khỏi và đã tử vong sau đó. Thông tin ban đầu cho biết, nữ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân tim mạch ngày càng có xu hướng trẻ hoá
PGS.TS Tạ Mạnh Cường – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân tim mạch ngày càng có xu hướng trẻ hoá, thậm chí có trường hợp thanh niên 27 tuổi cũng mắc bệnh này.
Trong số các bệnh tim mạch thì thiếu máu cơ tim là bệnh lý khá phổ biến, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim khiến cơ tim hoại tử, gây nguy hiểm tính mạng.
Trước đó, bệnh nhân mới 20 tuổi từ Cà Mau chuyển đến Viện Tim TP HCM với chẩn đoán hẹp - hở van hai lá 4/4. Khám lâm sàng và xét nghiệm, thấy tim không to nhiều (biến chứng của hẹp - hở van) nhưng bóp yếu. Kết quả chụp động mạch vành, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc hai nhánh, nghĩa là nhồi máu hai vùng cơ tim cùng lúc. Với một người 20 tuổi, tắc động mạch vành rất hiếm gặp và những ca tắc hai nhánh như thế này, tử vong 30 - 50% trước khi nhập viện.
Trường hợp anh Nguyễn Tấn C, 21 tuổi, ở Phù Mỹ, Bình Định, đang đi đánh cá thấy đau thắt ngực, cứ khoảng 5 phút một cơn, bủn rủn tay chân, vã mồ hôi, được đưa vào khoa Nội Tim mạch, BVĐK Bình Định lúc 15 giờ 30 cùng ngày. Chỉ định chụp động mạch vành cho thấy huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch vành phải. Sau can thiệp và đặt stent, bệnh nhân hết đau ngực; mạch, huyết áp ổn định; tự đứng và đi lại được.
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, những năm gần đây tỉ lệ mắc bệnh tim mạch, cụ thể là tỉ lệ mắc tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 47%.
Nhồi máu cơ tim cấp là hoại tử một vùng cơ tim bởi thiếu máu cục bộ do co thắt mạch hay nghẽn, tắc động mạch vành do xơ vữa tại chỗ hoặc cục máu đông, mảng xơ vữa từ nơi khác đến (còn gọi là suy vành hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ mãn tính).
Đối với người cao tuổi, nguyên nhân chủ yếu của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch diễn ra nhiều năm. Còn với người dưới 40 tuổi, chủ yếu là do huyết khối trong lòng động mạch do stress, béo phì, nghiện thuốc lá nhiều năm liền.
Nếu như ở người cao tuổi, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu thì ở người trẻ tuổi, lòng động mạch đang rất sạch và trơn láng, đột ngột xuất hiện huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu nuôi cơ tim.
Bản thân cơ tim ở người trẻ tuổi cũng chưa hề trải qua sự thiếu máu dần dần như người già nên không kịp thích nghi và bị hoại tử nhanh chóng. Người trẻ lại thường chủ quan không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ khuyên phải nghĩ ngay đến nhồi máu cơ tim khi đau thắt ngực như có vật đè nặng, ép chặt ngực..., đau một hoặc cả hai cánh tay, lưng, vai, cổ, hàm hoặc trên rốn; tim đập mạnh liên hồi; khó thở xuất hiện trước hoặc cùng cơn đau ngực. Toát mồ hôi lạnh. Rất mệt mỏi và khó chịu...
Với bệnh tim mạch, nguy cơ tử vong lớn, nhưng theo các bác sĩ, hoàn toàn có thể phòng chống nguy cơ đó bằng cách hạn chế được thuốc lá, rượu bia, hạn chế tình trạng béo phì, chăm tập thể dục…
Chuyên gia tim mạch Tạ Mạnh Cường (Bệnh viện Bạch Mai) chỉ rõ, một trong những biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất của thiếu máu cơ tim chính là cơn đau thắt ngực. Ước tính có đến 50% các các cơn đau ngực là liên quan đến bệnh tim mạch. Cơn đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi bệnh nhân gắng sức, nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim tăng lên và lượng máu thiếu một cách tương đối so với nhu cầu cơ thể, do đó sẽ có biểu hiện đau. |