Uống nước ngọt thường xuyên có thể khiến mỡ nội tạng tăng, góp phần tăng thêm nguy cơ bệnh đái tháo đường, tim mạch và bệnh tật khác - theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tim quốc gia Mỹ mới được công bố trên tạp chí Circulation.
Các nhà khoa học đã khảo sát trên 1.003 người, cả nam lẫn nữ trong độ tuổi bình quân là 45, được chia thành 4 nhóm theo mức độ dùng nước ngọt: Không uống, ít khi uống (một lần/tháng hoặc ít hơn), thỉnh thoảng uống (một hoặc vài lần/tuần) và uống hằng ngày. Họ dùng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính để đo thể tích mỡ nội tạng của nhóm người tham gia ngay từ đầu và 6 năm sau, lúc khảo sát kết thúc.
Khảo sát cho thấy người dùng nước ngọt hằng ngày có mỡ nội tạng nhiều hơn người không dùng 27%. (Ảnh: Healthday news)
Họ nhận thấy người không uống hoặc ít uống nước ngọt có mỡ nội tạng trong khoảng 649-658 cm3. người thỉnh thoảng uống có 707 cm3 và người uống hằng ngày có 852 cm3 mỡ nội tạng. So với người không uống nước ngọt, những người uống thường xuyên có tỉ lệ mỡ nội tạng cao hơn 27%.
Mỡ nội tạng tích tụ quanh các cơ quan bên trong cơ thể như gan, tụy, ruột. Mỡ này ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của hormone và góp phần quan trọng trong đề kháng insulin - vốn làm tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 và bệnh tim.