Ôm con đi cấp cứu vì căn bệnh hàng triệu người Việt mắc nhưng không biết

Ngày 08/08/2024 15:15 PM (GMT+7)

Bé gái được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng la hét, kích thích, thở nhanh và dần hôn mê, xét nghiệm cho thấy đường huyết tăng vọt.

Bé gái 9 tuổi quê Yên Bái, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 2/8. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị toan chuyển hóa nặng, hạ kali, đường huyết tĩnh mạch 26,57mmol/l (người bình thường trong giới hạn từ 4,1-6,38). Kết quả CT sọ não có hình ảnh phù não lan tỏa.

Người nhà cho biết bệnh nhi ở nhà mệt mỏi dần, không ăn được. Khoảng 2h sáng, trẻ bất ngờ nôn ói nhiều, gồng cứng người kêu la, gia đình lập tức đưa đi cấp cứu.

Ngay khi vào viện, bé gái được thầy thuốc tập trung cấp cứu. Ảnh cắt từ clip bệnh viện cung cấp

Ngay khi vào viện, bé gái được thầy thuốc tập trung cấp cứu. Ảnh cắt từ clip bệnh viện cung cấp

Bé nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy và chẩn đoán nhiễm toan ceton nặng do đái tháo đường type 1, bù dịch tích cực. Sau 24 giờ điều trị, tình trạng sức khỏe của bé dần ổn định, được cai máy thở và tỉnh táo hơn, tiếp tục được các bác sĩ tại khoa Nhi theo dõi sát với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Khi các chỉ số về giới hạn bình thường, bé có thể xuất viện.

Nhiễm toan ceton là biến chứng nặng của đái tháo đường type 1. Các triệu chứng chuyển hóa điển hình là “4 nhiều” bao gồm: tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sụt cân. Thở nhanh, lơ mơ về hôn mê là các triệu chứng của sự mất bù nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ toan ceton có thể hôn mê và tử vong.

Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao. Đường máu lúc đói trên 7 mmol/l và sau ăn (hoặc đo bất cứ lúc nào trong ngày) trên 11 mmol/l. Theo điều tra năm 2012, hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng đến năm 2020, con số này đã lên đến gần 7,3%. Nghĩa là gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc căn bệnh này ở nước ta tăng gần gấp đôi. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường.

Điều quan trọng là hơn 2,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.

Đái tháo đường type 1 là bệnh phụ thuộc Insulin, chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Trẻ mắc đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin suốt đời mới có cơ hội sống.

Bệnh được xem là bẩm sinh, di truyền, có yếu tố gia đình. Nhiều trẻ lớn mắc bệnh khi đến bệnh viện đã trong tình trạng sốc, hôn mê, kèm theo các tình trạng bệnh lý khác.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng 2.000 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh này. Bệnh có xu hướng gia tăng tuy nhiên việc chẩn đoán, điều trị đang gặp khó khăn, hay nhầm sang các bệnh khác.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây mỗi năm bệnh viện chỉ thăm khám, theo dõi, điều trị khoảng 10-15 bệnh nhi đái tháo đường type 1, nhưng những năm gần đây, mỗi năm, viện chẩn đoán, phát hiện từ 65-95 trẻ mắc bệnh.

Tính đến nay, số trẻ mắc bệnh này dưới 18 tuổi (lứa tuổi học đường và nhỏ hơn) đang được bệnh viện này điều trị và quản lý là gần 600 trẻ.

Theo Võ Thu
Nguồn: VietNamNet

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác