Phòng bệnh tiêu chảy cấp mùa hè

Ngày 11/05/2018 15:11 PM (GMT+7)

Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng trẻ em và người cao tuổi khi lâm bệnh sẽ nguy hiểm hơn nếu không được xử trí kịp thời, đặc biệt là tiêu chảy cấp.

Khi nào được coi là bị tiêu chảy cấp?

Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, niêm dịch bởi chế độ ăn không thích hợp gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy thường) hoặc toàn nước có lẫn máu và bệnh diễn ra nhiều ngày khoảng từ 5 - 7 ngày (tiêu chảy cấp).

Phòng bệnh tiêu chảy cấp mùa hè - 1

Cần nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cấp để xử trí kịp thời.

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% trong số đó xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là vào mùa hè. Tiêu chảy cấp rất dễ lây lan, có nguy cơ gây suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng.

Tại sao mùa nắng nóng dễ bị tiêu chảy cấp?

Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi càng làm mầm bệnh dễ lây lan, đặc biệt là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt là vi khuẩn tả (V. cholerae), lỵ (Shigella), E.coli, thương hàn (Salmonella), vi khuẩn ngộ độc thịt (C. botuninum)...

Một đặc điểm khá nổi bật là mùa nắng nóng thường hay dùng nước, kem, nước đá để giải khát, nếu chúng không vô khuẩn rất dễ nhiễm độc, gây tiêu chảy. Mùa nắng nóng thực phẩm rất dễ hỏng (cả thực phẩm tươi sống, cả thực phẩm chín) nếu không được bảo quản tốt, ăn phải các loại thực phẩm này rất dễ bị ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy cấp. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn với chi phí điều trị lên đến 2.000 tỷ đồng.

Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp nhất và là “thủ phạm” hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Mặt khác, do nắng nóng nên một số người quen dùng các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo hoặc ăn rau sống, giá sống hoặc uống nước đá không tiệt khuẩn) là những lý do dẫn đến mắc bệnh tiêu chảy.  Khi các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào đường ruột, nếu chúng có độc lực mạnh, số lượng nhiều hoặc sức đề kháng cơ thể kém, chúng sẽ lấn át các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây tiêu chảy.

Và biến chứng…

Khi bị tiêu chảy cấp, người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày, phân toàn nước có lẫn máu, kéo dài 5-7 ngày. Ngoài ra, cơ thể có thể có sốt cao (trên 38ºC), khát nước nhiều, phân có thể có lẫn máu, khuôn mặt sẽ trở nên xanh xao, đầy bụng, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn kéo theo đó là triệu chứng đổ mồ hôi lạnh, lừ đừ, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh nhanh chóng bị mất nước, điện giải (môi khô, mắt trũng, khát nước), suy tuần hoàn, trụy tim mạch và tử vong nhanh nếu không được điều trị tiêu chảy cấp kịp thời.

Tiêu chảy kéo dài ngoài ảnh hưởng tới sự hấp thu đối với chất dinh dưỡng khiến cho người bệnh gầy gò, da nhăn nheo, không còn độ nảy, sức đề kháng giảm, dễ bị nhiễm trùng (với trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển). Với tiêu chảy cấp, nếu không xử trí kịp thời, nguy cơ trụy tim mạch rất có khả năng xảy ra, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người có sức khỏe yếu. Với trẻ em do sự phân bố nước trong cơ thể khác với người lớn, nên khi bị tiêu chảy dễ làm rối loạn nước (mất nước) và các chất khoáng (điện giải) nhanh hơn, nồng độ kali, natri và canxi thấp.

Phòng bệnh tiêu chảy cấp mùa hè - 2

Cần nấu chín thức ăn để phòng tránh tiêu chảy cấp.

Nguyên tắc xử trí tiêu chảy cấp

Khi bị tiêu chảy cấp, phải đưa ngay người bệnh, nhất là trẻ em, người cao tuổi đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan mầm bệnh gây dịch cho gia đình và cộng đồng (nếu do vi khuẩn hoặc virus gây bệnh).

Khi chưa có điều kiện đưa ngay người bệnh đến bệnh viên, tại gia đình có thể cho uống dung dịch oresol (pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn) hoặc nước gạo rang, cháo loãng, uống nhiều nước. Nếu trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi hoặc trẻ suy dinh dưỡng bị tiêu chảy phải đưa đến ngay cơ sở y tế như là một điều bắt buộc để chủ động phòng tránh những nguy cơ trầm trọng xảy ra. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý, người nhà không hướng dẫn hay bản thân người bệnh không tự ý uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Cách phòng bệnh

Để phòng tránh bệnh tiêu chảy cấp, mỗi người cần ăn uống hợp vệ sinh như ăn chín, uống nước đã đun sôi, không ăn rau sống, tiết canh, nem chua, nem chạo, không ăn thức ăn đã để quá 6 giờ hoặc qua đêm. Cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng. Khi có người mắc bệnh, cần cách ly người bệnh với người lành, đặc biệt không dùng chung các dụng cụ dùng trong ăn, uống. Với trẻ em cần cho trẻ tiêm chủng các loại vắc -xin do y tế tư vấn.

Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp nhất và là “thủ phạm” hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

3 tuyệt chiêu khiến mầm bệnh tiêu chảy không có cơ hội tấn công cả nhà
Tiêu chảy diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhất vào mùa hè, để mầm tiêu chảy không có cơ hội tấn công cả nhà mình, các chị em hãy áp dụng 3 tuyệt...
Theo TS.BS. Đặng Bùi Bảo Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiêu chảy