Sau khi trẻ bị tiêu chảy nhiều ngày, dù gia đình đã cho dùng thuốc nhưng không đáp ứng, sau đó trẻ tím tái, thở ngáp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận một bệnh nhi 18 tháng tuổi, ở huyện Sông Lô vào nhập viện vì tiêu chảy nhiều lần. Khi trẻ vào viện đã li bì, tím tái, thở ngáp, sốc giảm thể tích.
Trước đó, gia đình phát hiện trẻ tiêu chảy có cho uống bù nước, men tiêu hóa nhưng không đáp ứng. Sau khi nhập viện, bệnh nhi được hồi sức chống sốc, làm các xét nghiệm lâm sàng, kết quả cho thấy có tình trạng nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Sau 10 ngày nhập viện và được các bác sĩ tích cực điều trị, trẻ đã ổn định và được xuất viện.
Có rất nhiều trẻ bị nguy kịch, thậm chí tử vong vì tiêu chảy, nguyên nhân là do phụ huynh chủ quan, không nhận biết dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến viện sớm, điều trị kịp thời.
Bé trai nguy kịch sau khi bị tiêu chảy phải nhập viện điều trị.
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ tiêu chảy do nhiều nguyên nhân, vì thế tốt nhất nên cho trẻ đi khám, làm các xét nghiệm, biết chính xác nguyên nhân thì điều trị mới mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều gia đình thường áp dụng những bài thuốc truyền miệng như cho con uống nước hồng xiêm xanh, nhai búp ổi... Một số bố mẹ vội cho trẻ dùng kháng sinh hoặc bù nước bằng oresol nhưng không đúng cách, khiến tình trạng trẻ ngày càng nặng.
“Tôi vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu từng cấp cứu cho 3 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bố mẹ dùng bù nước điện giải sai cách. Cụ thể, cả 3 trẻ khi nhập viện đều được chẩn đoán sốt cao, mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc và co giật. Một điểm chung là 3 bệnh nhi trước khi vào viện đều được phụ huynh bù nước bằng thực phẩm chức năng dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol”, PGS Dũng dẫn chứng.
Theo PGS Dũng, hiện rất nhiều chai oresol dạng thực phẩm chức năng được bày bán, tuy nhiên khi sử dụng sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước khi trẻ bị tiêu chảy, mà còn nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. “Ngay cả với thuốc oresol khi dùng cũng phải cách, đúng liều lượng, đúng nồng độ thì mới có tác dụng bù nước”, bác sĩ Dũng nói.
Rất nhiều chai thực phẩm chức chức năng có tên oresol được bày bán nhưng không có tác dụng bù nước điện giải như thuốc oresol. (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, khi trẻ bị tiêu chảy mất nước thì cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh, bài thuốc truyền miệng, có thể bù nước cho trẻ nhưng phải đúng loại, đúng cách và đúng liều lượng theo hướng dẫn.
Ngoài ra, không quá kiêng khem cho trẻ vì có thể khiến trẻ thiếu năng lượng, suy dinh dưỡng, không có sức chống đỡ với nhiễm trùng, chậm phục hồi tổ chức ruột bị tổn thương. Do vậy, cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ dùng những thực phẩm mềm, dễ tiêu…
Với trẻ bị tiêu chảy (đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày), bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có những dấu hiệu sau đây:
- Đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước.
- Trẻ mệt không chơi hoặc kích thích quấy khóc.
- Trẻ uống nước kém, hoặc uống được nhưng nôn nhiều.
- Tiêu chảy kèm sốt.
- Tiêu chảy kèm phân có nhầy máu.
- Hoặc bất kỳ khi nào phụ huynh thấy không yên tâm thì cũng nên đưa con đi khám.