Dùng nước để rửa phía dưới sau mỗi lần đi vệ sinh hóa ra lại có thể là nguyên nhấn khiến "vùng kín" của bạn dễ bị viêm nhiễm nhiều lần.
Bác sĩ sản phụ khoa người Đài Loan Xie Xiaoyun chia sẻ trên Facebook rằng một số bệnh nhân than phiền họ luôn giữ vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ, đi tiểu xong luôn dùng nước rửa lại nhưng không hiểu sao vẫn không tránh khỏi tình trạng viêm nhiễm.
Tuy nhiên, bác sĩ Xie Xiaoyun chỉ ra rằng hành động nhiều người tưởng sạch này hóa ra chính là lý do khiến vi khuẩn dễ đi vào bên trong hơn, biến "vùng kín" thành môi trường nuôi cấy vi khuẩn.
Theo thống kê, khoảng 25-50% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời, nguyên nhân chủ yếu là do lỗ niệu đạo của phụ nữ tương đối ngắn, bộ phận sinh dục và hậu môn khá gần nhau, vi trùng có thể dễ dàng xâm nhập từ hậu môn sang niệu đạo rồi đi sâu vào bàng quang.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm uống ít nước, để vi khuẩn ở trong bàng quang lâu ngày sinh sôi, và phổ biến nhất là thói quen vệ sinh không đúng cách. Có 3 thói quen "vệ sinh" vùng kín nhiều người tưởng sạch sẽ nhưng hóa ra lại dễ gây nhiễm khuẩn.
1. Rửa bằng nước sau khi đại tiện
Bác sĩ Xie Xiaoyun cho biết nước máy không phải vô trùng, nó cũng có thể chứa vi khuẩn. Đặc biệt nếu ở những khu vực mà bồn chứa nước không được vệ sinh định kỳ có thể ẩn chứa không ít vi khuẩn, chẳng hạn như E.coli.
Do đó, cho dù bạn có sử dụng vòi hoa sen hay vòi xịt ở bồn cầu để vệ sinh phần dưới thì vi khuẩn E.coli trong nước hoặc xung quanh hậu môn có thể bị xối vào niệu đạo và bàng quang.
Bác sĩ Kannobu Sakanishi đến từ Shonan Beauty Clinic, Shibuya, Nhật Bản cũng chỉ ra rằng ở điều kiện bình thường, âm đạo có tính axit yếu và chứa nhiều vi sinh vật, vi khuẩn tốt, vi khuẩn xấu ít có khả năng sinh sôi trong đó. Nhưng nếu bạn thích rửa bằng nước mỗi khi đi tiểu, hay việc lạm dụng dung dịch vệ sinh "vùng kín" quá nhiều có thể gây hại cho môi trường trong âm đạo, khiến vi khuẩn có hại gia tăng nhiều và ảnh hưởng đến sức khỏe khu vực nhạy cảm.
2. Không giữ cho "vùng kín" khô ráo
Bác sĩ Guo Anni, Khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Trung Sơn, Trung Quốc cho biết một số phụ nữ sau khi rửa sạch phía dưới bằng vòi nước liền mặc quần lót luôn mà không lau khô. Điều này chẳng khác gì biến "vùng kín" thành một ổ chứa vi khuẩn, từ đó dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe ở bộ phận sinh dục.
3. Chà xát nhiều lần khi lau nước tiểu
Hầu hết mọi người khi đi vệ sinh đều có thói quen dùng giấy vệ sinh lau từ sau ra trước rồi lau tới lau lui nhiều lần, nhưng đây thực sự là một phương pháp vệ sinh rất không khoa học. Bởi vì làm như vậy sẽ kéo theo vi khuẩn từ hậu môn ra niệu đạo, âm đạo và ngược lại đẩy vi khuẩn từ âm đạo ra hậu môn, cuối cùng phát triển thành các bệnh như viêm niệu đạo, viêm bàng quang.
Hơn nữa, việc chà xát nhiều lần sẽ khiến các mảnh vụn của giấy do ma sát rơi ra, chui vào niệu đạo và âm đạo.
Chuyên gia tiết lộ cách lau đúng sau khi đi tiểu, không sợ mắc bệnh trong kỳ kinh nguyệt
Vì dội nước và lau đi lau lại không phải là cách vệ sinh đúng, vậy làm thế nào để giữ vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ sau khi đi vệ sinh? Bác sĩ sản phụ khoa Xie Xiaoyun cho biết cách vệ sinh đúng sau khi đi tiểu là chỉ cần lấy một lượng giấy vệ sinh vừa đủ và nhẹ nhàng “ấn” lên lỗ niệu đạo khoảng 5 đến 10 giây để đảm bảo lau sạch.
Ngoài ra, trong thời kỳ kinh nguyệt, một lượng lớn máu và nước tiểu bẩn tập trung ở "vùng kín", khả năng nhiễm trùng tăng lên rất nhiều, lúc này chỉ thấm vào thì không thể làm sạch được.
Vì vậy, trong những ngày "đèn đỏ", chị em có thể chuẩn bị khăn lau của trẻ em không có mùi thơm và dùng nước sạch để vệ sinh. Sau đó lấy giấy vệ sinh khô lau nhẹ để bớt ẩm ướt, tránh tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, từ đó bảo vệ được toàn bộ "vùng nhạy cảm" của phụ nữ.