Khi có những biểu hiện bất thường ở vùng kín, người phụ nữ nghĩ rằng bị viêm nhiễm phụ khoa thông thường, không ngờ sau đó phải cắt toàn bộ tử cung.
Chị Nguyễn Thanh Hà (48 tuổi, ở Hà Nội) gần đây xuất hiện tình trạng đau bụng dưới, ra dịch âm đạo, kèm theo ngứa nên nghĩ bị viêm phụ khoa và mua thuốc về dùng. Sau một liệu trình dùng thuốc không đỡ, tình trạng ra huyết trắng nhiều hơn, mỗi lần quan hệ cũng có ra máu nhưng chị vẫn ngại đi khám.
“Qua tìm hiểu trên mạng tôi thấy giai đoạn tiền mãn kinh bị khô rát khi quan hệ, ra máu là chuyện bình thường, vì thế chủ quan, không để ý. Chỉ đến khi tình trạng đau tăng nặng, máu và khí hư ra nhiều tôi mới đến bệnh viện", chị Hà chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa sản Dương Ngọc Vân (Bệnh viên Medlatec) trực tiếp thăm khám cho chị Hà thấy rằng, bệnh nhân có nhiều dịch vàng trong âm đạo, cổ tử cung có nang, viêm lộ tuyến, tăng sinh mạch. Với những triệu chứng trên, bác sĩ đã lấy mẫu làm xét nghiệm, đồng thời sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Khi có biểu hiện bất thường ở vùng kín như đau khi quan hệ, quan hệ ra máu thì nên đi khám và tầm soát ung thư. Ảnh minh họa.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị Hà bị ung thư biểu mô vảy tại chỗ và được chuyển tới BV Phụ sản Trung ương điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định cắt hoàn toàn tử cung và hai phần phụ.
Sau khi nhận kết quả trên, chị Hà ân hận vì sự chủ quan của bản thân mà để ung thư tiến triển. “Mục đích tôi đi khám chỉ để xem bị viêm nhiễm ra sao, không ngờ lại phát hiện mắc ung thư. Đến giờ tôi vẫn chưa tin đây là sự thật. Tôi quá ân hận vì đã lơ là sức khỏe”, chị Hà nói.
Bác sĩ Dương Ngọc Vân cho biết, có không ít trường hợp vô tình đi khám phát hiện các bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung. Nguyên nhân của những trường hợp phát hiện muộn này đều do chủ quan không đi khám định kỳ, khi phát hiện khối u đã di căn, điều trị gặp khó khăn và hiệu quả thấp.
Theo bác sĩ Vân, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV (hơn 90%), trong đó virus HPV 16, 18 là type nguy hiểm nhất, chiếm khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung. Đáng nói, căn bệnh này thường tiến triển thầm lặng trong thời gian dài từ 15-20 năm với phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường, từ 5-10 năm với phụ nữ có hệ miễn dịch yếu.
Xét nghiệm, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phát hiện sớm bệnh (nếu có) sẽ tăng khả năng điều trị khỏi. Ảnh: BSCC.
“Mặc dù là bệnh hay gặp, gây nguy hiểm, nhưng được phát hiện sớm sẽ tăng cơ hội chữa trị thành công cao. Còn ở giai đoạn muộn thời gian tiên lượng sống sau 5 năm thấp. Ở giai đoạn III, tỉ lệ sống trên 5 năm là 25-35%, còn giai đoạn IV tỉ lệ sống trên 5 năm là dưới 15%”, bác sĩ Vân chia sẻ.
Để phòng tránh ung thư cổ tử cung, bác sĩ Vân lưu ý, chị em nên đi khám định kỳ hàng năm, không đợi có triệu chứng mới đi khám vì khi đó có thể đã ở giai đoạn muộn. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: Chảy máu không rõ nguyên do ở âm đạo, đau vùng chậu, tiểu khác thông thường… thì cần đi khám và tầm soát ung thư ngay lập tức.
Theo các chuyên gia y tế nên tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ tuổi 21 trở lên (khi đã có quan hệ tình dục), đặc biệt phổ biến nhất là từ độ tuổi 35 - 44 tuổi. Để việc tầm soát ung thư đạt hiệu quả và không bỏ sót giai đoạn vàng phát hiện bệnh, chị em nên định kỳ kiểm tra 1-3 năm/lần, nhất là những người có yếu tố nguy cao như thường xuyên hút thuốc lá, quan hệ tình dục sớm hay với nhiều bạn tình hoặc không áp dụng các biện pháp an toàn, sinh con sớm (dưới 17 tuổi), viêm cổ tử cung, mãn kinh...