Ngoài việc ăn trực tiếp hoặc vắt lấy nước uống, quả cam còn là vị thuốc chữa ho hiệu quả nếu biết cách chế biến và sử dụng.
Cam là loại trái cây cung cấp nhiều vitamin C, có thể dùng ăn trực tiếp hoặc vắt lấy nước uống. Việc sử dụng cam hợp lý sẽ mang lại nhiều tác dụng cho cơ thể và làm bài thuốc chữa ho hiệu quả.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (BV Đại học y dược TP HCM, Cơ sở 3) cho biết, trong đông y, quả cam có tính hàn, công dụng giải nhiệt, trừ độc nên từ lâu đã được dùng trong chữa trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, điển hình là trị ho hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em.
Còn với y học hiện đại, nghiên cứu cho thấy cam chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C cùng nhiều hợp chất có khả năng ngăn ngừa oxy hóa. Bổ sung cam sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, từ đó chống lại các gốc tự do cũng như ngăn ngừa độc tố.
Cam chứa nhiều vitamin C, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh minh họa.
Ngoài vitamin C, cam còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác tốt cho sức khỏe như magie, canxi, vitamin A. Ngoài ra, hàm lượng chất folate trong quả cam cũng có khá nhiều, vì thế sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về đường hô hấp, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc cảm cúm.
Bác sĩ Vũ tư vấn, để nhận được những vitamin và khoáng chất có trong cam mọi người nên ăn cam trực tiếp, ăn cả phần cùi để lấy chất xơ. Hoặc có thể vắt cam lấy nước uống nhưng không tốt bằng việc ăn trực tiếp.
Riêng việc dùng cam làm bài thuốc trị ho, cần dùng cam hấp với muối sau đó mới sử dụng. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ hướng dẫn cụ thể như sau:
- Bước 1: Cam mua về rửa sạch, ngâm vào nước muối loãng rồi vớt ra để ráo nước.
- Bước 2: Cắt gọt phần dưới cuống tạo thành hình cái nắp, sau đó lấy 1/2 hoặc 1 thìa cafe muối đổ vào phần trái vừa cắt.
- Bước 3: Chờ muối thấm hết vào quả rồi đem hấp cách thủy 15 - 20 phút, tắt bếp là có thể sử dụng.
Theo bác sĩ Vũ, với việc dùng cam để làm bài thuốc trị ho, khi hấp lên, các chất dinh dưỡng trong cam, nhất là vitamin C sẽ không còn nhiều. Do vậy, tùy mục đích chúng ta có thể sử dụng cam theo những cách khác nhau.
Việc dùng cam hấp muối có thể trị được ho cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.
Ngoài dùng cam hấp, một bộ phận rất tốt khác của quả cam nhiều người vứt bỏ khi ăn đó là vỏ cam. Vỏ cam chứa hàm lượng caroten khá nhiều, chúng lại có tinh dầu vì thế hoàn toàn có thể tận dụng làm thuốc giúp kiện tỳ, điều tiết hương thơm, chữa ho, tan đờm rất nhiệu quả, nhất là người viêm phế quản mạn tính.
Ngoài ra, uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón. Vỏ cam phơi khô có thể cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo, giúp kích thích ngủ ngon giấc, đuổi muỗi, làm sạch không khí. Tuy nhiên, khi dùng vỏ cam để làm thuốc phải lựa chọn vỏ cam sạch, trước đó không dùng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo quản.
Lưu ý khi sử dụng cam hàng ngày:
- Không ăn cam quá nhiều vì có thể làm gia tăng cơn đau dạ dày. Chỉ nên dùng không quá 2 quả mỗi ngày.
- Ăn cam nhiều và liên tục có thể gây ợ nóng, nôn mửa, tăng nguy cơ sỏi thận…
- Không dùng cam và củ cải vào cùng một thời điểm vì chúng kỵ nhau. Nguyên nhân là trong củ cải có flavonoid, còn bên trong cam lại có thiosulfate. Hai hợp chất này nếu kết hợp với nhau sẽ tạo ra một phản ứng hóa học, làm tăng hàm lượng axit.
- Không nên uống sữa và ăn hay uống nước cam ở thời điểm gần nhau vì sẽ gây kết tủa, làm gia tăng tình trạng đau bụng, ợ hơi, tiêu chảy.
- Không ăn cam trước hoặc ngay sau khi uống thuốc, nhất là kháng sinh. Vì cam có nhiều tính axít, từ đó gây thay đổi tính chất của thuốc, hạn chế tác dụng chữa bệnh của thuốc.