Món rau quen thuộc của nhiều gia đình lại có khả năng ngừa ung thư, tốt cho não bộ nhưng hay bị hiểu nhầm là rau độc.
Rau muống vốn chẳng hề xa lạ gì với người Việt, nó được dùng khá phổ biến nhưng cũng là loại rau hay bị mang tiếng là dễ nhiễm kim loại nặng nhiều nhất hay là rau độc, ăn nhiều không tốt.
Thực tế, Ruan Guanfeng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ của Trung tâm Trao đổi Thông tin Dinh dưỡng và Thực phẩm Kexin (Trung Quốc), cho biết bất kỳ loại rau nào cũng không thể tách rời khỏi môi trường tự nhiên nên trong rau củ đôi khi không thể tránh khỏi một lượng nhỏ kim loại nặng và dư lượng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy rau muống dễ tích tụ kim loại nặng nhất.
Hàm lượng kim loại nặng trong rau củ có vượt tiêu chuẩn hay không phụ thuộc chủ yếu vào nơi xuất xứ và môi trường, chỉ cần kim loại nặng trong đất, nguồn nước không vượt tiêu chuẩn thì kim loại nặng trong rau đương nhiên sẽ không vượt ngưỡng cho phép.
Rau muống thường bị đồn là dễ nhiễm nhiều kim loại nặng nhất. (Ảnh minh họa)
Do đó, miễn là bạn mua rau muống từ những nơi có nguồn gốc rõ ràng, đạt chuẩn quốc gia thì hoàn toàn có thể yên tâm ăn.
Như vậy có thể khẳng định rau muống không độc hại như nhiều người lầm tưởng, ngược lại, nó được các chuyên gia đánh giá cao về tác dụng chống ung thư.
Rau muống có khả năng chống ung thư mạnh như rau khoai lang
Lin Minhua - Giám đốc Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Cơ đốc giáo Yunlin (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, nhiều chuyên gia cho rằng rau khoai lang có tác dụng chống ung thư cực mạnh, nhưng rau muống cũng có tác dụng không kém.
Giáo sư Daisuke Matsuo và giáo sư Takashi Asano của Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí "Sinh học tế bào và phát triển" vào tháng 2/2022 và phát hiện ra rằng rau muống và mầm đậu bắp có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Rau muống được đánh giá là có khả năng ngừa ung thư tốt không kém rau khoai lang. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, rau muống còn rất giàu axit folic. Theo phân tích dinh dưỡng, rau muống có 129,9 microgam axit folic trên 100 gam. Axit folic không chỉ cần thiết cho phụ nữ mang thai để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của thai nhi mà còn rất quan trọng đối với người bình thường.
Nhiều người thường xuyên bị đau đầu, không thể tập trung nên cần axit folic để giúp tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh choline và chức năng chuyển hóa choline. Choline có thể làm tăng độ nhạy cảm của dopamine và norepinephrine trong não, cải thiện tình trạng trầm cảm, khiến con người vui vẻ và duy trì sự tập trung, đồng thời là yếu tố hỗ trợ giảm cân. Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng nó còn có thể giúp cải thiện bệnh Parkinson.
Thay vì uống viên vitamin hãy ăn một đĩa rau muống
Bác sĩ Lin Minhua cho biết rau muống rất giàu carotene, có hoạt tính sinh học mạnh và giàu chất xơ thô, có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, cải thiện táo bón và giảm cholesterol. Nó đứng đầu trong số các loại rau về hàm lượng canxi và hàm lượng kali cao, giúp điều hòa huyết áp.
So với cà chua có tác dụng chống oxy hóa mạnh thì rau muống có lượng vitamin A gấp 4 lần, vitamin C gấp 1,5 lần, vitamin B1 gấp 8 lần so với cà chua, rất giàu magie và các nguyên tố vi lượng khác. Do đó, ăn một đĩa rau muống còn bổ dưỡng hơn là uống vài viên vitamin.
Rau muống xào thịt bò là món ăn vừa ngon lại bổ dưỡng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bác sĩ Lin Minhua nhắc nhở hoạt chất trong rau muống sợ nhất là đun sôi trong nước, chất dinh dưỡng có thể bị mất đi 10%-64%. Vì vậy, bác sĩ gợi ý rằng phương pháp nấu tốt nhất là xào nhanh. Vì rau muống cũng chứa hàm lượng sắt và vitamin C rất cao nên bác sĩ Lin Minhua gợi ý làm món thịt bò xào rau muống hoặc cá khô xào rau muống để giúp hấp thu sắt hoặc canxi.