Rộ trào lưu "bắt pen" để tạo cảm giác phê pha trong giới trẻ, bác sĩ nhận định cực kỳ nguy hiểm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/10/2024 07:00 AM (GMT+7)

Theo cảnh báo của bác sĩ, việc “bắt pen” ở động mạch trên cổ sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều video theo trào lưu “bắt pen”, đa số người thực hiện là giới trẻ và nhanh chóng thu hút nhiều lượt người xem. Theo những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, người thực hiện trào lưu “bắt pen” dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ, sau đó người thực hiện sẽ rơi vào trạng thái lơ mơ, phải có những tác động mới tỉnh dậy được.

Theo chia sẻ, khi thực hiện động tác này sẽ cho cảm giác “phê” ngay lập tức lúc đó, do vậy có nhiều trường hợp thực hiện đi, thực hiện lại nhiều lần và lôi kéo những người khác cùng tham gia. Dưới góc độ sức khỏe các chuyên gia cho rằng, việc làm này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong.

Trào lưu bắt pen vô cùng nguy hiểm đang được giới trẻ thực hiện rất nhiều. Ảnh chụp màn hình.

Trào lưu "bắt pen" vô cùng nguy hiểm đang được giới trẻ thực hiện rất nhiều. Ảnh chụp màn hình. 

Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, ông rất sốc khi xem những hình ảnh này, nhất là khi được thực hiện ngay trong nhà trường và rất nhiều bạn trẻ tham gia. Theo bác sĩ Mạnh, đây là một trào lưu nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, ai đang thực hiện cần từ bỏ ngay, ai đang có ý định muốn thử tốt nhất nên dừng lại ngay lập tức, bởi hành động này có thể gây tử vong nhanh chóng.

Bác sĩ Mạnh cảnh báo, để thực hiện "bắt pen", người thực hiện sẽ dùng tay chèn vào hai mạch máu ở hai bên cổ của người tham gia với mong muốn tạo ra cảm giác "phê" trong một thời gian ngắn, hay còn gọi là phê giả tạo. Tuy nhiên, đây là thử thách độc hại, nguy hiểm bởi khi dùng tay ép vào mạch có thể gây tắc mạch máu, thậm chí vỡ mạch máu rất nguy hiểm.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh phân tích, mạch máu vốn rất mềm, khi tìm đúng mạch ấn vào máu sẽ ngừng lưu thông, đó là lý do trong một số trường hợp cấp cứu, nếu tìm đúng mạch máu ấn vào máu sẽ ngừng chảy, tránh việc mất máu dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, việc làm này chỉ áp dụng trong cấp cứu y tế, được thực hiện bởi người có chuyên môn, với người bình thường tuyệt đối không được chèn ép mạch máu.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cảnh báo, việc ấn tay vào động mạch chủ ở cổ rất dễ gây tử vong.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cảnh báo, việc ấn tay vào động mạch chủ ở cổ rất dễ gây tử vong. 

Khi dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào mạch máu vùng cổ, mạch máu đột ngột bị tắc, dòng máu lưu thông lên não bị ngừng lại. Hiện tượng thiếu máu não đột ngột này sẽ khiến con người rơi vào tình trạng mê man. Đây cũng là lý do nhiều người có cảm giác ngất ngây và bạn bè phải tát để tỉnh lại. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác giả, rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Mạnh, có đến 80% lượng máu nuôi não sẽ được vận chuyển qua 2 mạch cảnh trái và phải ở cổ. Khi thực hiện ấn cổ vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu vào 2 động mạch cảnh thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi. Ngoài ra, ấn vào mạch máu nhiều lần cũng sẽ gây dập mạch, hình thành huyết khối và tăng nguy cơ đột quỵ não.

Với trường hợp ấn vào thời gian ngắn có thể gây ngất, nhưng nếu ấn và giữ lâu có thể liệt nửa người hoặc thậm chí là có thể tử vong. “Mọi người tuyệt đối không nên làm theo trend “bắt pen”. Nhà trường, giáo viên khi thấy học sinh thực hiện trò này cần phải giải thích về mức độ nguy hiểm để học sinh ngừng thực hiện”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.

Bác sĩ Mạnh cũng khuyến cáo, hiện rất nhiều trào lưu xuất hiện trên mạng xã hội, mọi người khi tiếp cận cần phải biết chọn lọc, không bắt chước làm theo những thông tin độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Người đàn ông đột ngột chảy máu não khi đang làm việc, bác sĩ chỉ cách phòng tránh ai cũng cần ghi nhớ
Khi đang làm việc, người đàn ông bỗng dưng ngã quỵ dù không hề va đập vào đâu. Khi đến viện đã trong tình trạng nguy kịch vì xuất huyết não.

Đột quỵ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh