Sốt xuất huyết, bệnh dại, liên cầu lợn, viêm não…đang tăng số lượng các ca mắc trong năm nay, đặc biệt những căn bệnh này đều ghi nhận có ca tử vong.
Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp tình hình dịch bệnh mùa hè sang nay (13/7), PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh ở nước ta đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Trong đó nổi cộm là bệnh sốt xuất huyết đã có nguy cơ bùng phát trên diện rộng với hàng nghìn ca mắc mỗi tuần. “Tính tới nay, đã có 14 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Số người mắc ở một số khu vực tăng 300%”, PGS Phu chia sẻ.
Theo ông Phu đa số các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết vừa qua là những trường hợp không đến khám đúng chuyên khoa. Nhiều ca bệnh để nặng mới vào cơ sở y tế chuyên khoa thì cấp cứu không kịp.
PGS Trần Đắc Phu cho biết, bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến rất phức tạp.
Do đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân nếu bị sốt, có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến cơ sở y tế chuyên khoa. Các bác sĩ nhạy cảm về dịch tễ phải có những xét nghiệm, chẩn đoán để đưa ra hướng điều trị kịp thời. Người dân không tự ý dùng thuốc hạ sốt để làm hạ sốt xuất huyết mà nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khi có nghi ngờ sốt xuất huyết.
Với dịch viêm não virus, 6 tháng đầu năm đã có 10 tử vong trong tổng số gần 400 ca mắc; số ca tử vong do bệnh dại là 35 trường hợp. “Tất cả 35 trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn”, ông Phu thông tin.
Riêng đối với căn bệnh liên cầu lợn PGS Trần Đắc Phu, cho biết dù đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng số ca mắc và tử vong vẫn gia tăng. Theo đó, từ đầu năm tới nay đã có 69 ca mắc và 4 ca tử vong. “Nếu so với cùng kỳ năm trước thì số ca mắc căn bệnh này đã tăng lên 9 trường hợp”, ông Phu thông tin.
Ngoài những căn bệnh trên, hoàng loại các bệnh khác như viêm não nhật bản, viêm não mô cầu, bệnh than, bạch hầu, ho gà…cũng có dấu hiệu gia tăng.
Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin đủ mũi, đúng lịch để phòng bệnh.
PGS Phu khuyến cáo, để phòng chống dịch bệnh mùa hè, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Các gia đình nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ...). Đặc biệt, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.