Phòng bệnh khi chuyển mùa

Ngày 04/03/2015 00:07 AM (GMT+7)

Nhiều bệnh phổ biến trong mùa hè đang bắt đầu xuất hiện. Theo kinh nghiệm tại các bệnh viện nhi đồng, vào những tháng nóng nhất, bệnh nhi có các vấn đề về hô hấp gia tăng.

Thời tiết TP HCM bước vào giai đoạn chuyển mùa với những ngày nắng nóng sau các đợt lạnh kéo dài, dẫn đến nhiều dạng bệnh đặc trưng của mùa nóng. Bên cạnh đó, đây là thời điểm bắt đầu hoặc chuẩn bị “vào mùa” của một số bệnh nhiễm siêu vi nên rất cần đề phòng.

Thủy đậu: Tháng sau sẽ tăng

Đưa con gái 4 tuổi đến khám thủy đậu tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM), chị N.T.A.N (32 tuổi) cho biết một số cháu trong trường mẫu giáo nơi con chị theo học cũng mắc căn bệnh này trong vòng vài ngày trở lại đây. Do bệnh nhẹ nên bé chỉ điều trị ngoại trú. Trong những lần đưa con đi khám và tái khám, chị N. cũng bắt gặp vài trường hợp tương tự. “Các bà mẹ đang rỉ tai nhau rằng chắc thủy đậu đang vào mùa” - chị kể.

Tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), trẻ mắc thủy đậu cũng đã vào viện rải rác. “Đây là một bệnh theo mùa, năm nào cũng có. Năm nay, các ca bệnh đầu tiên có sớm hơn mọi năm. Đây mới là thời điểm bắt đầu vào mùa, khoảng 1 tháng sau, số ca bệnh sẽ nhiều lên” - bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết.

Phòng bệnh khi chuyển mùa - 1

 Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

Ông Khanh lưu ý đặc điểm của căn bệnh này là thường gặp nhiều nhất ở trẻ em tuổi bắt đầu đến trường. Tuy nhiên, tuổi nào cũng có thể bị lây nhiễm thủy đậu nếu cha mẹ không cẩn thận khi chăm sóc các cháu. Khi bị thủy đậu, tuyệt đối không tự chọc vỡ các bóng nước vì dễ dẫn đến bội nhiễm và tăng khả năng lây lan. Thủy đậu chỉ mới ngấp nghé vào mùa nên ai chưa mắc vẫn có thể đi tiêm phòng và thuốc chủng ngừa bệnh này thường có tác dụng sau 10 ngày.

Bệnh hô hấp, tiêu chảy xuất hiện rải rác

Theo BS Trần Đắc Nguyên Anh, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, thời điểm bắt đầu mùa nóng cũng là giai đoạn trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy, thường là do ăn uống. Một số cháu bị hen suyễn khá nhạy cảm với thời điểm giao mùa nên phụ huynh có con mắc bệnh này nên chú ý. Ngoài ra, khi nắng nóng, nếu đi chơi xa mà có con nhỏ đi cùng, phụ huynh nên lưu ý mang theo nước và các dụng cụ che nắng cho trẻ để hạn chế tình trạng bị say nắng, mệt mỏi vì mất nước.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, cảnh báo tại TP HCM, mùa nóng vẫn có thể là mùa của bệnh hô hấp. “Theo y văn thế giới, mùa của bệnh hô hấp là mùa lạnh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tại các BV nhi thì vào những tháng nóng nhất, bệnh nhi có các vấn đề về hô hấp cũng gia tăng. Điều này có thể là do thói quen sử dụng những phương tiện giải nhiệt của chúng ta như máy lạnh, quạt máy… có nhiều điểm chưa phù hợp” - BS Tuấn giải thích. Ông cho biết những bệnh hô hấp thường gặp trong mùa này là các dạng viêm đường hô hấp trên (mũi, xoang…), dị ứng đường hô hấp…

BS Tuấn cũng lưu ý rằng trẻ em và người già thường dễ nhiễm lạnh hơn nên việc ở lâu trong phòng máy lạnh có nhiệt độ quá thấp, phòng có quạt gió thổi trực tiếp… sẽ dễ dẫn đến bệnh hô hấp. Với trẻ nhỏ, đừng nên ở quá 3-4 giờ liên tục trong phòng máy lạnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ quá chênh lệch so với bên ngoài cũng dễ dẫn đến bệnh, nhất là khi chúng ta di chuyển qua lại thường xuyên giữa 2 môi trường quá nóng và quá lạnh ấy.

Ngoài ra, một số gia đình cũng nên cân nhắc việc dùng quạt hơi nước vì thiết bị này có thể khiến độ ẩm trong phòng quá cao, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi.

Đề phòng các bệnh nhiễm

Theo các BS, trong vài tháng tới, một số bệnh nhiễm như sốt siêu vi, tay chân miệng... cũng sẽ vào mùa nên phụ huynh cần chuẩn bị sẵn các biện pháp đề phòng. Với bệnh tay chân miệng, nên giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và người chăm sóc cũng nên rửa tay thường xuyên để tránh đưa mầm bệnh từ môi trường bên ngoài sang trẻ. Với các bệnh nhiễm siêu vi, nên chú ý tình trạng trẻ sốt cao khó hạ và cần đưa đến BV thăm khám kịp thời.

Nguy cơ bệnh nặng trong “tháng ăn chơi”

BS Đồng Văn Thành, Phó trưởng Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết sau những ngày Tết ăn chơi “thả cửa”, không ít người phải nhập viện do đường huyết tăng, mỡ máu cao, gút... Theo BS Thành, với người bị đái tháo đường, chỉ một bữa ăn uống thoải mái cũng có thể làm đường huyết tăng lên, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, thực phẩm ngày Tết với “mâm cao, cỗ đầy” đa phần giàu chất đạm, chất béo nhưng lại thiếu chất xơ, cùng với bánh kẹo nhiều đường thường không phù hợp với người bệnh đái tháo đường. Nhiều trường hợp do không biết cách cân đối dinh dưỡng, thậm chí vui quá chén, đã khiến đường huyết tăng vọt.

“Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thịt, mỡ trong những bữa tiệc của “tháng ăn chơi” cũng vô cùng nguy hiểm với bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tim mạch, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, mắc bệnh mạch vành...” - BS Thành lưu ý.

Trong khi đó, BS Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết dù được các BS dặn dò khá kỹ trước khi cho xuất viện, về nhà đón năm mới nhưng ngay trong những ngày Tết, không ít bệnh nhân viêm gan, xơ gan phải nhập viện cấp cứu do uống rượu, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất mỡ. Theo BS Cấp, người mắc bệnh gan cần kiêng rượu bia, nhất là rượu nặng, ngay cả rượu vang cũng không được lạm dụng. Ngoài ra, các món nhiều dầu mỡ, giàu đạm cũng không tốt cho gan. Do đó, nếu ăn uống quá nhiều những thực phẩm này sẽ trở thành “gánh nặng” trong quá trình chuyển hóa, thậm chí gây ra đợt viêm gan tiến triển, khiến bệnh nặng hơn. 

N.Dung

Theo Anh Thư (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp