Sử dụng chất thay thế đường có tốt không? Đâu mới là lựa chọn thông minh giúp bảo vệ tim mạch của bạn?

An Thanh - Ngày 24/10/2024 07:07 AM (GMT+7)

Để hạn chế nạp đường tinh luyện vào cơ thể, nhiều người sử dụng các chất tạo ngọt không chứa calo hoặc ít calo thay vì sử dụng đường. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng, tiêu thụ thực phẩm chứa erythritol hay xylitol (các chất tạo ngọt) có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ 

Sử dụng chất thay thế đường có tốt không? Đâu mới là lựa chọn thông minh giúp bảo vệ tim mạch của bạn? - 1

Chất thay thế đường – Giải pháp tạm thời hay hiểm họa?

Việc tiêu thụ đường đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn quá nhiều đường có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, từ việc tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, cho đến các vấn đề về tim mạch. 

Chính vì vậy, nhiều người chuyển sang sử dụng các loại chất thay thế đường như xylitol và erythritol - các loại rượu đường chứa ít calo cho các chế độ ăn lành mạnh để bảo vệ sức khỏe. 

Không ít chuyên gia và bác sĩ cũng thường xuyên khuyến cáo những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa nên tiêu thụ thực phẩm có chứa chất tạo ngọt thay vì đường. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đều cho thấy các loại chất tạo ngọt là nguyên nhân khiến nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng cao.

Các nhà nghiên cứu từ hệ thống Cleveland Clinic (Mỹ) phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ các thực phẩm chứa chất tạo đường có nồng độ erythritol trong máu cao hơn 1.000 lần so với người bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông ngăn chặn hoặc làm chậm dòng máu chảy đến các bộ phận thiết yếu của cơ thể, gây ra các bệnh về tim mạch và các biến cố kèm theo bao gồm đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim (đau tim).

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, những người có mức xylitol cao trong cơ thể có nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong cao gần gấp đôi so với những người có mức xylitol thấp hoặc không có.

Không chỉ đường, chất thay thế đường cũng có thể gây đau tim. (Ảnh minh họa).

Không chỉ đường, chất thay thế đường cũng có thể gây đau tim. (Ảnh minh họa).

Erythritol và xylitol

Erythritol là một trong số các loại rượu đường, có độ ngọt bằng 70% so với đường và được sử dụng cho các sản phẩm ít calo, ít carbohydrate hay các sản phẩm keto. Chúng không có giá trị dinh dưỡng, thường có trong kẹo, bánh quy, soda, kem đánh răng và thực phẩm dán nhãn "không đường".

Tương tự erythritol, xylitol cũng là một loại rượu  đường có trong một số loại trái cây và rau quả. Nó cũng được sản xuất công nghiệp như một chất tạo ngọt.

Trong tự nhiên, chúng có trong một số loại trái cây và rau quả. Cơ thể con người cũng sản xuất erythritol một cách tự nhiên ở mức thấp như sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa glucose.

Theo Gabrielle Gambino - chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian, cho biết: "Rượu đường có ít calo và carbohydrate hơn. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không thể sử dụng nó để tạo năng lượng mà đào thải qua nước tiểu”.

Cho đến nay, rượu đường vẫn được coi là an toàn cho con người tiêu thụ. Thậm chí còn được một số người cho là có tác dụng cải thiện hô hấp, tiêu hóa, phản ứng miễn dịch, kiểm soát cân nặng, có lợi cho sức khỏe răng miệng và da. Tuy nhiên, khi các nghiên cứu mới được công bố, các chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng khi tiêu thụ các sản phẩm được làm ngọt bằng các chất tạo ngọt.

Erythritol và xylitol là hai chất tạo ngọt được sử dụng rộng rãi trong các chế độ ăn lành mạnh. (Ảnh minh họa).

Erythritol và xylitol là hai chất tạo ngọt được sử dụng rộng rãi trong các chế độ ăn lành mạnh. (Ảnh minh họa).

Lựa chọn nào mới thông minh cho sức khoẻ?

Việc tiêu thụ đường và chất thay thế đường đều mang đến những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là tim mạch, cần tìm cách duy trì sự cân bằng trong chế độ ăn uống và không nên phụ thuộc vào bất kỳ loại chất ngọt nào. 

Giảm tiêu thụ đồ ngọt

Tập thói quen đọc nhãn sản phẩm để kiểm tra thành phần đường có trong thực phẩm. Thay vì sử dụng các loại nước ngọt có gas, bạn thử chuyển qua uống nước lọc, trà thảo mộc không đường hoặc nước ép trái cây tự nhiên (không thêm đường). Nếu thèm đồ ngọt, cố gắng chọn các sản phẩm tự nhiên như trái cây thay vì bánh kẹo chế biến.

Chọn thực phẩm tự nhiên để thay thế đường

Trái cây không chỉ mang lại vị ngọt tự nhiên mà còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như: chất xơ, vitamin, và khoáng chất. Chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể mà không gây ra những tác động tiêu cực như đường tinh luyện hay các chất thay thế đường nhân tạo.

Sử dụng trái cây thay đường và các chất tạo ngọt để đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh. (Ảnh minh họa).

Sử dụng trái cây thay đường và các chất tạo ngọt để đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh. (Ảnh minh họa).

Kiểm soát lượng chất thay thế đường

Mặc dù các chất tạo ngọt được xem là giải pháp thay thế cho đường, nhưng việc sử dụng chúng cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Nếu bắt buộc phải sử dụng chất tạo ngọt, hãy sử dụng ở mức độ vừa phải và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi áp dụng vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Tập thói quen ăn uống lành mạnh 

Việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh không chỉ giúp cơ thể kiểm soát lượng đường và chất thay thế đường mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống. Thử bắt đầu từ việc thay đổi nhỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày, giảm dần đồ ngọt và tăng cường các loại thực phẩm tươi sống, giàu dưỡng chất.

Sai lầm nào khiến bạn mắc các bệnh về tim mạch? Có một điều liên quan đến ăn uống dường như ai cũng gặp
Trái tim có vai trò hết sức quan trọng với cơ thể, tuy nhiên không ít người vẫn đang có những thói quen chưa lành mạnh khiến trái tim như bị “bóp...

Suy tim

Theo An Thanh - Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe