Tủ lạnh giữ thực phẩm được tươi ngon hơn. Song, bảo quản không đúng cách có thể làm biến chất một số loại thực phẩm, gây hại đến sức khỏe khi sử dụng, đặc biệt là gan - cơ quan giải độc quan trọng của cơ thể.
Nhiều người trong chúng ta có thói quen xem tủ lạnh như một kho bảo quản mọi loại thực phẩm. Tuy nhiên, thực phẩm nào cũng có hạn sử dụng và cách bảo quản riêng biệt. Lưu lại thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh không giúp kéo dài hạn sử dụng mà có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, gây hại cho sức khỏe. Quá trình thải độc ra ngoài còn khiến gan hoạt động quá công suất, ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khỏe.
1. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa như: phô mai, sữa chua, kem, bơ,... có hạn sử dụng khá ngắn, kể cả khi được bảo quản trong tủ lạnh. Nếu để lâu, các sản phẩm này dễ bị nhiễm khuẩn hoặc bị biến chất. Một số vi khuẩn như Listeria monocytogenes có thể phát triển ngay cả ở nhiệt độ thấp, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Không nên để sữa quá lâu trong tủ lạnh. (Ảnh minh họa).
Đặc biệt, sữa tươi hoặc sữa bột đã pha nhưng không được sử dụng hết trong vòng 24 giờ có thể bị lên men, gây mùi chua và chứa các chất độc hại nếu tiếp tục tiêu thụ. Việc sử dụng sữa hoặc phô mai hỏng không chỉ gây khó chịu cho đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng xấu đến chức năng gan do sự tích tụ của các chất độc.
Tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong thời gian khuyến nghị của nhà sản xuất. Sau khi mở hộp, cần bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 4°C và tiêu thụ trong vòng 3 - 5 ngày. Nếu sản phẩm có mùi lạ hoặc dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không nên sử dụng.
2. Trái cây
Trái cây, đặc biệt là các loại trái cây mềm như: dâu tây, nho, đào hoặc trái cây đã cắt sẵn, rất dễ bị lên men hoặc mốc nếu để lâu trong tủ lạnh. Khi trái cây bị mốc có thể sản sinh ra mycotoxin – một loại độc tố cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây tổn thương gan nghiêm trọng.
Ngoài ra, trái cây sau khi cắt nhỏ nhưng không đậy kín hoặc bảo quản ở nhiệt độ phù hợp có thể bị oxy hóa, dẫn đến mất dưỡng chất và trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Một số loại trái cây như: chuối, táo hoặc cam có thể phát sinh khí ethylene khi chín, gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác để chung tủ lạnh.
Theo các chuyên gia, trái cây nên được bảo quản nguyên vẹn và dùng hết trong vòng 2 - 3 ngày. Với trái cây đã cắt, cần bọc kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc cho vào hộp kín, sử dụng trong ngày. Khi phát hiện có dấu hiệu mốc hoặc mềm nhũn, nên loại bỏ ngay lập tức để tránh nguy cơ nhiễm độc.
Một số loại quả mọng khi bảo quản lâu trong tủ lạnh dễ bị lên mốc. (Ảnh minh họa)
3. Thực phẩm nấu chín
Rau xanh và các món ăn đã nấu chín thường rất nhạy cảm khi để lâu trong tủ lạnh, đặc biệt là nếu không được đậy kín hoặc bảo quản đúng cách. Khi để quá lâu, một số loại rau như: rau muống, cải bó xôi hoặc cần tây có thể bị oxy hóa, sinh ra nitrit - một hợp chất có thể chuyển hóa thành nitrosamine, được biết đến là chất gây ung thư khi tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Ngoài ra, các món ăn đã nấu chín khi hâm nóng nhiều lần cũng bị mất đi dưỡng chất ban đầu, đồng thời, có thể sinh ra các hợp chất không tốt cho sức khỏe. Việc bảo quản thức ăn chín trong ngăn mát tủ lạnh không nên kéo dài quá 2 ngày. Với món ăn có chứa dầu mỡ hoặc gia vị, để lâu còn dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây hại cho gan và đường tiêu hóa.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên nấu vừa đủ lượng thức ăn cần dùng trong ngày. Nếu cần bảo quản, hãy cho vào hộp kín và đặt ở ngăn mát với nhiệt độ từ 0 - 4°C. Tránh để thức ăn đã nấu chín quá 48 giờ.
Đồ ăn nấu chín dễ bị biến đổi chất và nhiễm khuẩn khi bảo quản lâu trong tủ lạnh. (Ảnh minh họa).
4. Thủy hải sản
Thủy hải sản như: cá, tôm, mực, cua,... chứa nhiều protein và các dưỡng chất cần thiết nhưng cũng là nhóm thực phẩm dễ bị biến chất nhất khi để lâu trong tủ lạnh. Khi bảo quản không đúng cách hoặc để quá hạn, thủy hải sản có thể sinh ra histamin - một chất gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như: buồn nôn, chóng mặt, thậm chí là tổn thương gan.
Đặc biệt, các loại hải sản đông lạnh sau khi rã đông không nên bảo quản lại lần nữa. Quá trình đông lạnh – rã đông liên tục làm tăng nguy cơ vi khuẩn sinh sôi, đồng thời, gây ra sự tích tụ các chất độc hại. Những món ăn chế biến từ hải sản để lâu trong tủ lạnh cũng dễ sinh mùi và bị ôi thiu, gây nguy cơ ngộ độc cao.
Thủy hải sản tươi nên được chế biến ngay sau khi mua hoặc bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ dưới -18°C. Sau khi rã đông, nên sử dụng ngay và không cấp đông lại. Thức ăn chế biến từ thủy hải sản cần được tiêu thụ trong ngày để đảm bảo an toàn.