Suy tim

Suy tim xảy ra khi khả năng bơm máu của tim suy giảm: hút máu kém và hoặc đẩy máu đi kém, hậu quả làm giảm (từ nhẹ đến nặng) khả năng cung cấp máu của tim đáp ứng các nhu cầu hoạt động khác nhau của cơ thể.

Tổng quan

Suy tim là khi tim bị giảm khả năng giãn để nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc giảm khả năng co bóp (suy tim tâm thu) dẫn đến giảm lượng máu cần thiết đi nuôi cơ thể và ứ trệ máu ở phổi và ngoại biên.

Suy tim không có nghĩa là tim ngừng đập, chỉ là sức bơm của tim yếu đi, không cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng cho cơ thể. Khi đó, cơ thể của bạn có thể gặp phải các vấn đề sau:

Tim không bơm đủ máu, cơ thể không nhận được đầy đủ ôxy và chất dinh dưỡng khiến người bệnh bị mệt mỏi triền miên. Máu bị ứ lại trong tim và trong các mô của cơ thể. Khi đó, dịch tích tụ trong cơ thể, làm sưng bàn chân, mắt cá chân và ống chân. Dịch cũng tích tụ trong phổi gây ho phù khó thở. Tình trạng này gọi là “phù phổi”.

Thông thường suy tim được chia ra ở 4 cấp độ, Độ 1: Bệnh nhân có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng nào, hoạt động thể lực vẫn bình thường; Độ 2: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện khi gắng sức, hạn chế hoạt động thể lực; Độ 3: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện ngay cả khi gắng sức nhẹ, làm hạn chế hoạt động thể lực; Độ 4: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện thường xuyên kể cả khi nghỉ ngơi.

Nguyên nhân

Bệnh lý động mạch vành: Nếu động mạch vành bị hẹp nặng hoặc bị tắc nghẽn thì tim sẽ bị thiếu hụt ôxy và các dưỡng chất.

Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim làm tổn thương cơ tim, tạo nên sẹo của một vùng cơ tim bị nhồi máu và làm cho nó mất các chức năng.

Bệnh lý cơ tim: Đây là bệnh không phải do nguyên nhân từ động mạch hoặc từ vấn đề lưu thông máu, ví dụ như bệnh cơ tim do nhiễm trùng, do rượu hoặc do nghiện ma túy.
Tình trạng tim bị quá tải: Các tình trạng như cao huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận, tiểu đường, dị tật tim bẩm sinh đều có thể gây suy tim.

Dấu hiệu cảnh báo

Giai đoạn đầu khi các bệnh tim mạch chuyển suy tim, các dấu hiệu triệu chứng rất khó nhận biết nên nhiều người bệnh đã đánh mất đi cơ hội được chữa trị sớm. Các triệu chứng bệnh suy tim biểu hiện tùy theo mức độ của bệnh, từ kín đáo đến nặng nề, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng điển hình của suy tim như:

Khó thở: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của suy tim. Biểu hiện khó thở có thể xảy ra khi gắng sức, khi nằm hoặc tư thế đầu thấp ở người này nhưng với người khác chỉ cần đi bộ, leo cầu thang, tắm giặt cũng khó thở. Khi suy tim độ 3 - 4, người bệnh khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Mệt mỏi: Người bệnh luôn cảm thấy kiệt sức hoặc mệt mỏi ngay cả khi thực hiện những hoạt động thường nhật và đơn giản như: khi sinh hoạt cá nhân, đi lại, leo cầu thang...

Ho: Ho khan, ho dai dẳng, ho từng cơn, khó khạc đờm, không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu cho thấy suy tim đang tiến triển khiến máu bị ứ lại ở phổi. Giai đoạn đầu của suy tim, các triệu chứng này rất dễ bị nhầm với các bệnh về đường hô hấp khác.

Phù: Suy tim mức độ nhẹ, nặng ở hai mí mắt khi ngủ dậy. Khi bệnh tiến triển thường gặp phù ở chân, thường ở mắt cá chân, bàn chân, giày dép buổi sáng đi vừa nhưng đến chiều thấy chật hơn.

Nhịp tim nhanh: Khi suy tim, cơ thể bù đắp lại lượng máu bị thiếu hụt bằng cách tăng nhịp tim để duy trì lưu lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Nhịp nhanh làm cho người bệnh có cảm giác trống ngực, hồi hộp, đau tức ngực, nặng ngực, ngộp thở.

Chẩn đoán

Chẩn đoán suy tim mạn khởi đầu dựa vào bệnh sử lâm sàng, khám thực thể và ECG (điện tâm đồ). Triệu chứng cơ năng của suy tim bao gồm:

Khó thở gắng sức.

Khó thở phải ngồi.

Cơn khó thở kịch phát về đêm.

Mệt, yếu sức, hồi phục chậm sau gắng sức.

Các phương tiện cận lâm sàng khác giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim bao gồm: điện tâm đồ, X-quang ngực, siêu âm tim qua thành bụng, ảnh cộng hưởng từ, chụp động mạch vành qua thông tim.

Hiện nay chẩn đoán suy tim có phần dễ hơn nhờ áp dụng phổ biến siêu âm tim và đo chất chỉ điểm sinh học. Ảnh cộng hưởng từ hiệu quả trong phát hiện nguyên nhân suy tim như viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và cả bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Điều trị

Tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch, người bệnh sau khi được thăm khám (lâm sàng + cận lâm sàng) sẽ được chẩn đoán xác định là có suy tim hay không, mức độ và giai đoạn suy tim, nguyên nhân suy tim.

Điều trị triệu chứng ST: Chủ yếu là dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu, giãn mạch máu (tĩnh mạch và/hoặc động mạch). Tùy mức độ ST mà BN cần được nghỉ ngơi hoặc giảm các hoạt động thể lực. Với bệnh nhân, kết quả điều trị có thể tự đánh giá được: giảm hay hết khó thở và mệt, hết phù, hết đau tức bụng...

Điều trị nguyên nhân gây nên ST: Đây là điều trị cơ bản. Có nhiều nguyên nhân gây suy tim, chủ yếu là các bệnh tim mạch (hẹp hở van tim, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp, suy động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim giãn, rối loạn nhịp tim...). ST do hẹp hở van tim: Khi có chỉ định, sẽ nong van tim (do hẹp) và phẫu thuật thay van tim; Nếu do THA phải kiểm soát THA hiệu quả, phối hợp với điều trị suy tim; Do bệnh ĐM vành: cần điều trị can thiệp (nong + đặt stent…), điều trị phối hợp; Nếu do bệnh tim bẩm sinh: Phải điều trị can thiệp (phẫu thuật, can thiệp qua da); Khi đã có biến chứng ST, cần điều trị tốt nguyên nhân ST phối hợp với điều trị ST. Ở mỗi BN bị ST có một nguyên nhân cụ thể gây nên. Vì vậy, điều trị thật tốt nguyên nhân không chỉ làm giảm hoặc hết các triệu chứng ST mà còn dự phòng ST tái phát.

Phòng ngừa

ST là biến chứng cuối cùng của các bệnh tim mạch, vì vậy, dự phòng các bệnh tim mạch chính là dự phòng ST. Hiện nay, các bệnh tim mạch phổ biến nhất là tăng huyết áp, suy động mạch vành, đồng hành với nó là các rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu, đái tháo đường), nghiện hút thuốc lào, thuốc lá, lười vận động, thừa cân béo phì, thiếu điều độ trong ăn uống và lối sống. Kiểm soát các yếu tố này là cách dự phòng ST tốt nhất.

Khi đã mắc các bệnh tim mạch thì cần điều trị và thường xuyên theo dõi sức khỏe ngừa biến chứng dẫn đến ST. Khi đã mắc ST thì cần điều trị tích cực để phòng ngừa tái phát.

Thông Tin Cần Biết

Dấu hiệu bệnh tim thường gặp cần lưu ý

Dấu hiệu bệnh tim thường gặp cần lưu ý

Các bệnh lý về tim mạch thường được gọi là các “sát thủ thầm lặng” vì những dấu hiệu bệnh tim diễn ra âm thầm, không biểu hiện ra bên ngoài. Nguy cơ tử vong vì bệnh tim là rất cao nếu không...

Bệnh tim mạch khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY