Tác dụng của quả đậu bắp và cách sử dụng để đạt được nhiều lợi ích nhất

MINH THÙY - Ngày 12/12/2021 17:22 PM (GMT+7)

Đậu bắp là món rau bổ dưỡng nhưng không được nhiều người thích vì ăn khá dính nhớt. Tác dụng của quả đậu bắp cũng rất đa dạng, có thể tác động tới tim mạch, não bộ, xương khớp,...

Đậu bắp còn có các tên khác như mướp tây, bông vàng hay bắp chà... có nguồn gốc từ Tây Phi. Nó được trồng ở những vùng khí hậu nhiệt đới và ấm áp, chẳng hạn như ở Châu Phi và Nam Á.

Đậu bắp có hai màu đỏ và xanh lá cây. Cả hai loại đều có vị giống nhau, và loại màu đỏ chuyển sang màu xanh khi nấu chín.

Đậu bắp thường được sử dụng như một loại rau trong nấu ăn. Tuy nhiên, nó có kết cấu nhớt dính nên không được nhiều người thích.

Tác dụng của quả đậu bắp và cách sử dụng để đạt được nhiều lợi ích nhất - 1

Giá trị dinh dưỡng

Đậu bắp có một nguồn chất dinh dưỡng rất ấn tượng. Một cốc (100 gram) đậu bắp sống chứa:

- Lượng calo: 33

- Carbs: 7 gram

- Chất đạm: 2 gram

- Chất béo: 0 gram

- Chất xơ: 3 gram

- Magiê: 14% giá trị hàng ngày (DV)

- Folate: 15% DV

- Vitamin A: 14% DV

- Vitamin C: 26% DV

- Vitamin K: 26% DV

- Vitamin B6: 14% DV

Đậu bắp là một nguồn cung cấp vitamin C và K1 tuyệt vời. Vitamin C là một chất dinh dưỡng hòa tan trong nước góp phần vào chức năng miễn dịch, còn vitamin K1 là một vitamin tan trong chất béo, có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.

Ngoài ra, đậu bắp có ít calo và carbs, đồng thời chứa một số protein và chất xơ. Ăn đủ protein có liên quan đến lợi ích đối với việc kiểm soát cân nặng, kiểm soát lượng đường trong máu, cấu trúc xương và khối lượng cơ.

Tác dụng của quả đậu bắp

1. Chứa chất chống oxy hóa có lợi

Đậu bắp chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Chất chống oxy hóa là các hợp chất trong thực phẩm chống lại tổn thương từ các phân tử có hại được gọi là các gốc tự do.

Các chất chống oxy hóa chính trong đậu bắp là polyphenol, bao gồm flavonoid và isoquercetin, cũng như vitamin A và C. Nghiên cứu cho thấy rằng ăn một chế độ ăn giàu polyphenol có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nguy cơ đông máu và tổn thương oxy hóa.

Polyphenol cũng có thể có lợi cho sức khỏe não bộ. Những cơ chế bảo vệ này có thể giúp bảo vệ não của bạn khỏi các triệu chứng lão hóa và cải thiện nhận thức, học tập và trí nhớ.

Tác dụng của quả đậu bắp và cách sử dụng để đạt được nhiều lợi ích nhất - 2

2. Có thể giảm nguy cơ bệnh tim

Mức cholesterol cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Đậu bắp có chứa một chất giống như gel gọi là chất nhầy, có thể liên kết với cholesterol trong quá trình tiêu hóa, khiến nó được thải ra ngoài theo phân chứ không được hấp thụ vào cơ thể.

Tác động của đậu bắp với tim mạch cũng là do nó chứa hàm lượng polyphenol. Một nghiên cứu kéo dài 4 năm trên 1.100 người cho thấy những người ăn chế độ ăn giàu polyphenol có dấu hiệu viêm liên quan đến bệnh tim thấp hơn.

3. Có thể có đặc tính chống ung thư

Đậu bắp chứa một loại protein gọi là lectin, có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người. Một nghiên cứu trong ống nghiệm trên các tế bào ung thư vú cho thấy lectin trong đậu bắp có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư lên đến 63%.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm khác ở các tế bào u ác tính của chuột đã phát hiện ra rằng chiết xuất đậu bắp khiến các tế bào ung thư tự chết.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này được thực hiện trong các ống nghiệm với các thành phần cô đặc và chiết xuất của đậu bắp. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu về con người trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.

4. Có thể làm giảm lượng đường trong máu

Duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe. Lượng đường trong máu cao liên tục có thể dẫn đến tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng ăn đậu bắp hoặc chiết xuất đậu bắp có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu cho rằng đậu bắp làm giảm sự hấp thụ đường trong đường tiêu hóa, dẫn đến phản ứng đường huyết ổn định hơn. 

5. Có lợi cho phụ nữ mang thai

Folate (vitamin B9) là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Nó giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, ảnh hưởng đến não và cột sống của thai nhi đang phát triển.

Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêu thụ 400 mcg folate mỗi ngày. Một đánh giá bao gồm 12.000 phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh cho thấy họ chỉ tiêu thụ trung bình 245 mcg folate mỗi ngày. Một nghiên cứu khác theo dõi 6.000 phụ nữ không mang thai trong 5 năm đã phát hiện ra rằng 23% người tham gia có nồng độ folate trong máu của họ không đầy đủ.

Đậu bắp là một nguồn cung cấp folate dồi dào, với 1 cốc (100 gram) cung cấp 15% nhu cầu hàng ngày của phụ nữ về chất dinh dưỡng này.

Tác dụng của quả đậu bắp và cách sử dụng để đạt được nhiều lợi ích nhất - 3

6. Tác dụng của đậu bắp với xương khớp

Chất nhầy có trong đậu bắp có thể giúp bôi trơn xương khớp. Ngoài ra, đậu bắp còn chứa vitamin K và folate có thể ngăn ngừa tình trạng mất canxi. Từ đó, giúp phòng ngừa bệnh loãng xương, khiến xương ngày càng chắc khỏe hơn, ổn định các khớp.

Cách sử dụng đậu bắp

Mặc dù đậu bắp có thể không phải là thực phẩm chính trong nhà bếp của bạn, nhưng nó khá dễ nấu. Khi mua đậu bắp, hãy tìm những quả có vỏ xanh và mềm, không có đốm nâu hoặc các đầu bị khô. Bảo quản chúng trong tủ lạnh đến bốn ngày trước khi nấu.

Thông thường, đậu bắp được sử dụng trong súp và món hầm. Nó chứa chất nhầy, một chất đặc, trở nên dẻo quánh khi đun nóng. 

Có thể ăn toàn bộ quả đậu bắp mà không cần bỏ hạt hay gọt vỏ, Khi nấu đậu bắp nên tránh nấu quá kỹ sẽ làm mất dinh dưỡng và chất nhầy trong chúng.

Đậu bắp có tính hàn nên những người có thể trạng kém, hay bị đau bụng không nên ăn quá nhiều.

Những người mắc bệnh đường ruột hay mắc hội chứng ruột kích thích cũng không nên sử dụng đậu bắp, bởi hàm lượng fructose cao trong nó có thể dẫn đến đầy hơi hoặc tiêu chảy.

Nguồn tham khảo:

7 Nutrition and Health Benefits of Okra - Healthline - Xuất bản ngày 11/7/2019

Tác dụng của quả sung muối, những ai không nên ăn sung muối?
Sung muối vốn là một món ăn kèm quen thuộc của người Việt Nam. Bên cạnh hương vị thơm ngon, tác dụng của quả sung muối với sức khỏe cũng đang được...

Các loại rau củ giàu dinh dưỡng

MINH THÙY (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các loại rau củ giàu dinh dưỡng