Những cơn ho dai dẳng suốt ngày này qua ngày khác khiến không ít người luôn cảm thấy khó chịu. Vậy lý do dẫn tới tình trạng này và cách khắc phục như thế nào?
Những cơn ho kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn mà còn là những dấu hiệu của những bệnh lý khác bạn không ngờ tới nếu không được chữa trị kịp thời.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến những cơn ho của bạn kéo dài:
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn ho mãi không khỏi. Ảnh minh họa.
Dị ứng thời tiết
Thời gian chuyển mùa, thời tiết thất thường, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột trong vài ngày thậm chí từ sáng tới chiều gây kích thích ở vùng họng, khí quản nên cơ thể đáp ứng lại bằng ho, nhất là đối với trẻ em với đặc điểm hệ hô hấp còn non yếu.
Tuy nhiên, chính thời tiết này cũng khiến cho những cơn ho trở nên dai dẳng hơn nếu điều trị không đúng cách. Ho do dị ứng thời tiết thường hình thành các cơn, nhất là vào lúc mới đi ngủ, vừa ngủ dậy, khi đổi tư thế. Kéo theo ho là những cơn hắt hơi thường xuyên. Những cơn ho này không nguy hiểm nhưng không trị thì có thể biến thành viêm nhiễm.
Ô nhiễm môi trường
Những nhân tố ô nhiễm trong môi trường như nấm mốc, giấy vụn, khói bụi, thuốc lá, phấn hoa, lông động vật, xăng… dễ dàng tác động lên hệ thần kinh phó giao cảm khiến chúng hoạt động mạnh gây ra những cơn ho. Những cơn ho sẽ ngừng nếu bạn có cách điều trị hợp lý và tránh tiếp xúc với các nhân tố trên.
Do nhiễm trùng, nhiễm virus
Bệnh lý hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm… thường kéo theo ho kể cả khi đã khỏi bệnh. Nguyên nhân là siêu vi cảm, cúm có thể làm viêm đường thở trong nhiều tuần khiến các ống thở nhạy cảm hơn với những tác nhân gây ho bên ngoài. Chứng cảm, cúm cũng có thể khiến nước sau mũi tiếp tục chảy xuống họng một thời gian dài gây ra ho.
Do thuốc
Một số thuốc dùng điều trị huyết áp cao, suy tim có khả năng ức chế men chuyển gây ra phản ứng phụ là ho khan. Những cơn ho trong trường hợp này thường kéo theo ngứa họng và xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm, có người ho rất dữ dội. Khi chuyển thuốc khác, triệu chứng ho sẽ hết.
Không điều trị dứt điểm
Nhiều người bị ho, do tâm lý chủ quan nên chỉ chữa đơn giản, qua loa vì cho rằng bệnh nhẹ sẽ nhanh khỏi. Thậm chí có người mua thuốc uống hoặc sử dụng bất kỳ một phương pháp điều trị nào nhưng không điều trị triệt để. Đây chính là nguyên nhân khiến cơn ho kéo dài và lần sau nặng hơn lần trước.
Điều này không chỉ thường xuyên gây tổn thương niêm mạc họng khiến người bệnh luôn cảm thấy ngứa rát, sưng đau, mà nếu lâu ngày, chúng có thể gây viêm họng hạt, viêm họng teo với những cơn đau họng dai dẳng, điều trị rất tốn kém nhưng hiệu quả không cao.Làm gì khi bị ho kéo dài?
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây tổn thương cho niêm mạc họng như khói bụi, nước đá, rượu bia…, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn cay nóng.
- Điều trị triệt để các bệnh lý viêm mũi, viêm xoang, viêm miệng, viêm tai…để tránh dịch chứa vi khuẩn, virus, nấm chảy xuống làm họng bị viêm liên tục.
- Vệ sinh sạch miệng, họng, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Tránh lạm dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
- Chú ý chăm sóc vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ, cho trẻ xúc miệng và rửa mũi bằng các loại nước muối sinh lý, cho trẻ ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, các mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ hoặc người có chuyên môn trước khi sử dụng thuốc nhé.