Trong số nhiều dụng cụ nhà bếp, có 2 loại nồi đặc biệt có thể giúp bạn chuẩn bị những bữa ăn lành mạnh một cách đơn giản. Đó là nồi nấu chậm và nồi áp suất, nhưng loại nào tốt hơn cho sức khỏe, sự an toàn và tính tiện lợi của chúng ra sao?
Nồi nấu chậm
Nồi nấu chậm là một thiết bị tiết kiệm thời gian đã có mặt tại Mỹ từ năm 1940. Sue Heikkinen, chuyên gia dinh dưỡng và giáo dục về bệnh tiểu đường tại Colorado (Mỹ) cho biết, như tên gọi của nó, nồi nấu chậm nấu thức ăn ở nhiệt độ thấp trong nhiều giờ. Loại nồi này rất được ưa chuộng để chuẩn bị các bữa ăn đơn giản, có thể nấu tất cả trong một nồi.
Nồi nấu chậm giúp bạn chuẩn bị được món ăn từ sớm. (Ảnh minh họa)
Một trong những điểm hấp dẫn nhất của nồi nấu chậm là sự tiện lợi. Bạn chỉ cần thái nguyên liệu, cho vào nồi và để nó lo liệu phần còn lại. Khoảng 4 đến 8 giờ sau, bữa ăn của bạn đã sẵn sàng, tùy thuộc vào công thức. Bạn có thể dễ dàng đặt nồi trước khi đi làm, và khi về, bữa tối đã thơm phức khắp nhà
Nồi áp suất
Mới xuất hiện gần đây hơn, vào năm 2010, nồi áp suất đã chiếm vị trí quan trọng trong bếp. Là một thiết bị nấu ăn đa năng, nồi áp suất giúp nấu nhanh, hầm nhừ hiệu quả. Nếu bạn không có nhiều thời gian để nấu ăn cả ngày bằng nồi nấu chậm, thì nồi áp suất có thể là lựa chọn tốt hơn.
Nồi áp suất và nồi nấu chậm - thiết bị nào tốt hơn?
Mỗi thiết bị đều có thể giảm đáng kể thời gian bạn dành cho việc chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh tại nhà. Mặc dù có một số điểm tương đồng, nhưng chúng lại khá khác biệt. Chuyên gia dinh dưỡng Heikkinen khuyên nên mua cả hai nếu bạn có đủ ngân sách và không gian lưu trữ.
Nồi áp suất thường được tích hợp nhiều chức năng, nấu được nhiều món. (Ảnh minh họa)
Nếu chỉ có chỗ cho một thiết bị, hãy xem xét nhu cầu của gia đình mình và loại bữa ăn mọi người ưa thích nhất.
Dưới đây là một số tiêu chí bạn nên chú ý khi lựa chọn một trong 2 loại nồi này:
Độ an toàn
Nồi nấu chậm đã được kiểm chứng và rất an toàn khi sử dụng. Điều này có thể là một lợi thế so với nồi áp suất khi nhiều người lo ngại vì nó được tích hợp nhiều chức năng.
Theo chuyên gia Heikkinen, nồi áp suất hoàn toàn an toàn khi được sử dụng đúng cách, nhưng một số người cần thời gian mới học được cách dùng.
Khối lượng nấu
Nếu bạn muốn nấu những nồi hầm lớn để đông lạnh cất ăn dần thì có thể dùng nồi nấu chậm. Với hai nồi có cùng dung tích thì bạn chỉ đặt vào được lượng thực phẩm không quá ⅔ nồi áp suất thay vì đầy nồi như dụng cụ nấu chậm. Đối với những bữa ăn nhanh vào buổi tối, nồi áp suất có thể là lựa chọn tốt hơn.
Kỹ năng lập kế hoạch cho bữa ăn
Nếu bạn không phải là người hay lên kế hoạch cho bữa ăn, nồi áp suất chiếm ưu thế. Khi quên lấy miếng thịt ra khỏi tủ đông từ sáng, tối về bạn có thể nấu thịt đông lạnh an toàn trong nồi áp suất, nhưng không thể làm điều đó với nồi nấu chậm. Nồi nấu chậm nấu thực phẩm ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài, khiến vi khuẩn vẫn có thể sinh sôi và bạn dễ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, nhiều công thức nấu chậm yêu cầu ngâm đậu khô qua đêm, nhưng một số công thức nấu nhanh với nồi áp suất thì bạn có thể bỏ qua bước này.
Nồi áp suất và nồi nấu chậm đều có những ưu điểm giúp bạn chuẩn bị được bữa ăn lành mạnh. (Ảnh minh họa)
Tốc độ nấu
Bạn thường chuẩn bị bữa ăn vào buổi sáng và để nồi hầm cả ngày hay muốn có thời gian ngắn hơn giữa khâu chuẩn bị và ăn uống? Nếu bạn muốn chuẩn bị và ăn ngay lập tức, nồi áp suất có thể đắc lực hơn.
Mặc dù có thể giảm đáng kể thời gian nấu, nhưng nồi áp suất cũng tốn tới 15 phút để đạt áp suất và lên đến 30 phút để xả áp suất tự nhiên sau đó, nhưng khoảng thời gian này vẫn ngắn hơn nhiều so với phải đợi vài giờ dùng nồi nấu chậm.
Phong cách nấu ăn
Chuyên gia dinh dưỡng Heikkinen lưu ý nếu bạn thích nấu ăn theo kiểu liên tục nếm và điều chỉnh gia vị trong quá trình đun thì nồi nấu chậm thích hợp hơn vì không thể mở nắp giữa chừng khi dùng nồi áp suất.
Mức tiêu thụ năng lượng
Việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi chọn thiết bị, và trong trường hợp này nồi áp suất chiến thắng vì cách nấu rút ngắn thời gian và sử dụng ít năng lượng hơn so với nấu chậm.
Tính linh hoạt
Khi nói đến tính linh hoạt, theo chuyên gia, nồi áp suất vượt trội hẳn, phù hợp với những gia đình có ít không gian, không muốn mua nhiều thiết bị. Loại nồi này có thể nấu được nhiều món, ít tốn các dụng cụ làm bếp (bạn có thể ướp, nấu và hầm luôn trong cùng một nồi).
Nấu bằng nồi áp suất có làm mất chất, biến chất thực phẩm?
Một số người cho rằng thức ăn nấu bằng nồi áp suất không tốt cho sức khỏe vì nó làm nóng thực phẩm ở nhiệt độ rất cao, từ đó có thể làm mất vitamin của rau củ và khiến thịt sản sinh chất liên quan tới nguy cơ ung thư. Thực tế, nấu bằng nồi áp suất sử dụng kết hợp nhiệt và hơi nước. Một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm cho thấy bông cải xanh nấu bằng áp suất bảo quản được 90% vitamin C, so với 78% khi hấp và 66% khi luộc.
So với thực phẩm nấu bằng lò vi sóng, thực phẩm nấu bằng áp suất dường như dễ tiêu hóa hơn, nghĩa là cơ thể bạn có thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn từ món ăn.
Nồi áp suất dùng hầm các loại đậu có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng nấu bằng áp suất sẽ phá hủy các chất phản dinh dưỡng hoặc các hợp chất ức chế khả năng hấp thụ.
Nhiều chuyên gia cũng thống nhất rằng nấu bằng áp suất sẽ tốt hơn vì nước không làm mất chất dinh dưỡng như các phương pháp khác, thời gian nấu nhanh giúp chất dinh dưỡng thoát ra ngoài ít hơn và nhiệt độ thấp hơn nghĩa là ít thay đổi cấu trúc dinh dưỡng của thực phẩm hơn.
Một số người lo ngại nấu bằng nồi áp suất sẽ phá hủy một số axit amin trong rau, nhưng thực thế cho dù bạn chọn cách nấu nào, nhiệt độ và nước chắc chắn sẽ phá hủy một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin C. Tuy nhiên, thực phẩm nấu tại nhà, bất kể chế biến bằng phương pháp chế biến nào, sẽ luôn đánh bại thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói về mặt chất dinh dưỡng.