Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Đồ uống có đường đã trở thành món đồ yêu thích hàng ngày của nhiều trẻ em. Một báo cáo toàn cầu cảnh báo cứ khoảng 10 trẻ thì có 4 em dùng đồ uống có đường và 3 trẻ không ăn trái cây mỗi ngày. Các bác sĩ nhi khoa cảnh báo điều này không chỉ dễ gây béo phì mà còn có thể khiến các sụn tăng trưởng đóng lại sớm.
Nước ngọt có gas, nước ép trái cây, sữa lắc... dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em ngày càng gia tăng
Tình trạng tiêu thụ đồ uống có đường ở nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 10% lượng calorie từ đường. Trong khi đó, gần 2/3 trẻ em tại Mỹ tiêu thụ gấp 3 lần con số khuyến cáo.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), theo kết quả khảo sát thay đổi tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ calo của đồ uống có đường trên tổng lượng calo hàng ngày của trẻ tăng dần ở độ tuổi 6-7 tuổi và lượng tiêu thụ sản phẩm sữa hàng ngày của những trẻ em trong độ tuổi đi học này có xu hướng giảm dần qua từng năm.
Riêng tại Việt Nam, dù chưa có thống kê riêng cho trẻ em nhưng tính chung dân số cả nước cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người.
Các chuyên gia cả trên thế giới và Việt Nam đều khẳng định rằng trong giai đoạn tăng trưởng, nếu trẻ hình thành thói quen uống đồ uống có đường mỗi ngày, trẻ không những béo phì mà còn việc lấn át lượng protein nạp vào khiến đĩa tăng trưởng đóng sớm và ức chế tiết hormone tăng trưởng, gây bất lợi cho việc phát triển chiều cao...
Tại sao trẻ em không cao lên nếu uống đồ có đường?
Bác sĩ nội tiết nhi khoa người Đài Loan Chen Yichen cho biết việc uống quá nhiều đồ có đường sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, điều mà các bậc phụ huynh rất quan tâm. Có 3 lý do khiến điều này có thể xảy ra.
1. Loại bỏ lượng protein nạp vào
Trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng quan trọng có thói quen dùng đồ uống có đường có thể giảm lượng protein nạp vào hàng ngày. Protein rất cần thiết cho sự duy trì xương, cơ, mô, cơ quan, da và răng khỏe mạnh vì chúng có một số axit amin nhất định được thiết kế cho các hormone tăng trưởng. Nó cũng giúp kích thích các phản ứng sinh hóa trong cơ thể bằng cách hoạt động như các enzyme.
Trẻ em không nạp đủ protein cần thiết sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng bình thường.
2. Béo phì sẽ khiến sụn tăng trưởng đóng lại sớm
Trẻ vị thành niên còn sản xuất estrogen từ các tế bào mỡ trong cơ thể. Béo phì sẽ làm tăng nồng độ estrogen ở trẻ và estrogen có thể đẩy nhanh quá trình phát triển tuổi xương và thúc đẩy quá trình đóng lại sụn tăng trưởng. Điều này làm rút ngắn đáng kể thời gian tăng trưởng tự nhiên, sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.
3. Đường ức chế tiết hormone tăng trưởng
Bác sĩ Chen Yichen cho biết sau khi cơ thể ăn vào một lượng lớn đường (1,75 gam/kg), quá trình tiết hormone tăng trưởng sẽ bị ức chế tới 2 giờ.
Tình trạng uống đồ có đường của trẻ một phần cũng xuất phát từ thói quen xấu của người lớn. Bác sĩ Chen Yichen nhắc nhở rằng đồ uống có đường có tác động rất lớn đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, cha mẹ nên hết sức cảnh giác và chú ý hơn đến thói quen ăn uống của con mình, phải giảm lượng đồ uống có đường và thay thế bằng nước lọc. Người lớn cũng nên nêu gương và tránh đồ uống có đường trong chế độ ăn hàng ngày để chúng ta cùng nhau hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.