Muốn con có được chiều cao tốt nhất. từ trước khi trẻ dậy thì có nên cho ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, uống nhiều sữa? Vấn đề này sẽ được TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam giải đáp.
Nơi công tác: Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Chào bác sĩ,
Con gái tôi 8 tuổi, đang bước vào giai đoạn sắp dậy thì nên tôi rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của cháu. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp, tôi nên cho con ăn gì để cháu phát triển tốt, nhất là chiều cao?
Hiện trên một số hội nhóm, các phụ huynh chia sẻ rất nhiều cách để “kích” chiều cao cho trẻ. Có người nói rằng nên cho con ăn nhiều chất đạm, uống nhiều sữa ở giai đoạn này thì đến lúc dậy thì trẻ sẽ cao, nhưng cũng có người cho rằng, cho trẻ sử dụng nhiều thực phẩm trên sẽ khiến trẻ dậy thì sớm hơn.
Tôi hoang mang không biết phải lựa chọn như thế nào là đúng, mong bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Đến khi con 8 tuổi mới cuống cuồng đi hỏi xem nên cho trẻ ăn thực phẩm gì để phát triển tốt thì thật sự chưa đúng lắm. Để trẻ phát triển tốt, các mẹ không nên chờ đợi đến một độ tuổi nào mới lo chăm sóc, bồi bổ mà đó là cả quá trình từ trong bụng mẹ, cho đến các lứa tuổi tiếp theo.
Thực tế, không có thực phẩm cụ thể nào để giúp trẻ phát triển tốt nhất, kể cả ở giai đoạn tiền dậy thì. Muốn con phát triển thì cần phải có sự tổng hòa các loại thực phẩm khác nhau. Do vậy, bạn nên cho con ăn đầy đủ các nhóm chất đường bột (cơm, khoai, bún, miến); nhóm chất đạm (các loại thịt, cá, trứng sữa); nhóm chất béo (dầu, mỡ, các loạt hạt); nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh, quả chín).
Một điểm cần lưu ý là, khi ăn thì cần dựa trên tình trạng cụ thể của trẻ để có lựa chọn hợp lý và cần cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa. Cùng với đó, giai đoạn này trẻ cần có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý. Có một chế độ ăn tốt, nhưng trẻ đi ngủ muộn, lười vận động thì cũng không thể phát triển chiều cao được.
Hiện rất nhiều phụ huynh lo lắng, con chỉ phát triển chiều cao trong những năm dậy thì, điều này là chưa chính xác. Giai đoạn dậy thì là giai đoạn phát triển chiều cao tốt nhất, còn lại trẻ trước dậy thì và sau dậy thì vẫn cao lên nhưng chậm hơn.
Muốn con không dậy thì sớm cần có chế độ ăn, sinh hoạt khoa học hợp lý ngay từ khi sinh ra chứ không đợi trẻ dậy thì rồi mới bắt đầu quan tâm. Ảnh minh họa.
Cũng như bạn, nhiều cha mẹ băn khoăn có nên cho trẻ bổ sung vitamin, chất đạm hay uống sữa ở tuổi trước dậy thì để đến khi dậy thì con cao lớn hơn. Thực tế, việc bổ sung dinh dưỡng là cần thiết, nhưng như đã nói trên, cần bổ sung đa dạng và cân đối. Hơn nữa, nên theo dõi sát sao sự phát triển chiều cao, cân nặng của con để điều chỉnh phù hợp.
Ví dụ, với một trẻ đang bị thừa cân, béo phì, nếu cha mẹ nghe trên mạng mà bổ sung cho con nhiều đường, sữa hay các thức ăn giàu đạm, để mặc cho trẻ lười vận động thì sẽ làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ. Các nghiên cứu ở Thụy Điển và Mỹ cho thấy, trẻ có chỉ số BMI liên quan đến thừa cân béo phì cao sẽ có nguy cơ dậy thì sớm. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng béo phì, tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm đầu đời ở những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp được coi là yếu tố thúc đẩy dậy thì sớm.
Muốn con phát triển bình thường, dậy thì đúng tuổi cần cho con ăn đa dạng các thực phẩm lành mạnh, hạn chế cho con sử dụng một số thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến dậy thì sớm như nước ngọt, thực phẩm chiên rán... Với bé gái, cần giám sát con trong việc sử dụng một số sản phẩm trang điểm, vì có những loại liên quan đến hormon etrogen, testosterol và có thể tăng khả năng dậy thì sớm.
Tóm lại, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đầy đủ trong tất cả các giai đoạn tăng trưởng (giai đoạn sơ sinh, thời thơ ấu và dậy thì) là cần thiết để cơ thể trẻ có thể tăng trưởng một cách thích hợp và phát triển bình thường ở tuổi dậy thì và những năm sau đó.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |
Tin liên quan
Khi một đứa trẻ không bằng lòng với giới tính hiện có của mình, có thể trẻ mắc vấn đề liên quan đến nội tiết, di truyền nhưng cũng có trường...
Việc thức khuya lướt điện thoại đã trở thành thói quen phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Hành động tưởng chừng chỉ gây hại cho mắt này còn...
Dậy thì sớm luôn là vấn đề phụ huynh đặc biệt quan tâm nhưng nhiều người còn chưa hiểu rõ, đặc biệt là nguyên nhân gây bệnh.
Khi con dậy thì và có kinh nguyệt lần đầu thì mẹ cần làm gì để giúp con khỏi bỡ ngỡ, có thể tự giữ vệ sinh và xử lý các tình huống bất ngờ...
Tin bài cùng chủ đề Trẻ dậy thì
Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở nam, trong đó dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng.
Bệnh trẻ em khác