Nôn ra máu, đầy bụng, đau thượng vị, đi ngoài phân đen,... đều là những dấu hiệu cảnh báo có thể mắc ung thư dạ dày.
Trong tập 40 của bộ phim Hoa hồng trên ngực trái, Thái (Ngọc Quỳnh) đột nhiên đổ bệnh, nôn ra máu sau đó tức tốc tới bệnh viện kiểm tra. Anh cũng thú nhận với bác sĩ rằng bản thân mỗi khi bị áp lực công việc thì lại tái phát bệnh dạ dày nhưng chưa từng bị đau như lần này.
Bác sĩ sau đó đã yêu cầu Thái đi làm xét nghiệm, dù chưa có kết quả chính thức nhưng dựa trên tiền sử bệnh và những dấu hiệu hiện tại, nhiều khán giả đã đoán ngay Thái rất có thể đã bị ung thư dạ dày.
Vậy thật sự nôn ra máu, đau dạ dày có phải biểu hiện của ung thư dạ dày?
Những dấu hiệu ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày xuất hiện bởi sự tăng trưởng của các tế bào ung thư trong lớp niêm mạc dạ dày. Loại ung thư này rất khó chẩn đoán vì hầu hết bệnh nhân không có bất kì triệu chứng gì vào giai đoạn mới mắc bệnh. Vì thế khi được chẩn đoán bệnh thì thường đã ở giai đoạn di căn.
PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Chuyên gia ung bướu chỉ ra những biểu hiện cảnh báo ung thư dạ dày mà mọi người cần chú ý để kịp thời đi khám và điều trị.
- Đầy bụng, ợ chua, khó tiêu. Đây được xem là một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày. Tuy nhiên khi có các biểu hiện này nhiều người lại nghĩ rằng bản thân đang bị rối loạn tiêu hóa, đến khi có các triệu chứng nặng hơn mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
- Đau thượng vị. Các chuyên gia cho biết, đau thượng vị không đồng nghĩa với việc bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu này người bệnh cần phải đi thăm khám sớm để loại trừ chứ không nên chủ quan.
- Buồn nôn hoặc nôn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người khi có biểu hiện này thường tỏ ra chủ quan, chỉ đến khi nôn ra máu mới đi thăm khám, nhưng đến lúc đó thì có thể bệnh đã ở giai đoạn nặng.
- Sụt cân bất thường trong thời gian ngắn, đi đại tiện có phân đen thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Đa số khi bệnh nhân có biểu hiện này bệnh đã ở giai đoạn phát triển.
Tóm lại, PGS Nghị cho rằng ung thư dạ dày thường khó phát hiện khi ở giai đoạn sớm. Vì thế người dân nên khám định kỳ hàng năm, nhất là những người có nguy cơ cao như trên 40 tuổi hoặc có những triệu chứng trên.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày PGS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K chía sẻ trên Sức khỏe đời sống về những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày: - Có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột từng mắc ung thư dạ dày. Theo thống kê, những người trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 4 lần những người khác. - Những người có viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc đều có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Hay những người bị viêm dạ dày mạn tính có nhiều dị sản ruột có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày hơn các bệnh nhân khác. - Những người bị hội chứng đa polip tuyến có tính chất gia đình, những polip này rất dễ trở thành ác tính.-Người có tiền sử nhiễm HP dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy có từ 35 – 90% bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày có liên quan tới nhiễm khuẩn HP. - Người bị cắt dạ dày , dịch mật trào ngược gây viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tiến triển thành ung thư dạ dày. - Người có thói quen ăn uống các thực phẩm chứa nhiều nitrat như ngũ cốc mốc, thịt hun khói, thực phẩm ướp nhiều muối. Khi vào dạ dày, các nitrat sẽ phản ứng với các amin tạo thành các nitrosamine, từ đó dẫn tới nguy cơ gây ung thư. |