Thói quen rất tệ cho sức khỏe khi uống trà dường như ai cũng gặp phải sau bữa ăn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/05/2021 07:00 AM (GMT+7)

Trà là đồ uống phổ biến, có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp không nên dùng trà vì sẽ phản tác dụng với sức khỏe.

Ths.BS Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết trà là loại đồ uống rất phổ biến và có lợi cho sức khỏe của con người, trong trà có chứa các chất oxy hóa giúp phòng chống bệnh tật, ngăn ngừa lão hóa….

Tuy chưa có nghiên cứu đầy đủ, nhưng một số giả thuyết đưa ra rằng, uống trà thường xuyên, điều độ còn có thể phòng được ung thư và rối loạn chuyển hóa.

Thói quen rất tệ cho sức khỏe khi uống trà dường như ai cũng gặp phải sau bữa ăn - 1

Trà là đồ uống phổ biến, có nhiều chất tốt cho sức khỏe.

Người Việt Nam thường uống trà vào buổi sáng thức dậy và ngay sau bữa ăn, nhất là vào buổi tối. Theo bác sĩ Vi, đây là thói quen không tốt, bởi uống trà vào buổi sáng sau khi thức dậy khi bụng còn đói có thể sẽ bị say, cồn cào bụng. Và uống vào buổi tối sau bữa ăn có thể gây mất ngủ, vì trong trà có chất caffein gây ra kích thích thần kinh và khó ngủ.

Đặc biệt, trong bữa ăn dùng nhiều đồ ăn có chứa nhiều đạm như thịt đỏ, thịt chó… tốt nhất không nên uống trà. Trong trà có chất tannin khi gặp chất đạm sẽ gây ra tình trạng khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, chất tannin trong trà còn hạn chế hấp thu sắt vì thế không nên uống ngay sau bữa ăn, nhất là trà đặc. Đặc biệt, với những người bị thiếu máu nếu uống trà đặc sau bữa ăn sẽ khiến bệnh lý trầm trọng hơn.

Để tốt cho sức khỏe, vị chuyên gia này cho rằng thời điểm uống trà tốt nhất là giữa các bữa ăn, khi đó dạ dày không bị rỗng sẽ tránh được cồn cào. Mặt khác, thức ăn trong cơ thể đã được chuyển hóa nên sẽ không gây nên những tác dụng phụ ngoài mong muốn. “Mọi người tốt nhất hãy từ bỏ thói quen ăn xong pha ngay ấm trà để mời nhau”, bác sĩ Vi khuyến cáo.

Thói quen rất tệ cho sức khỏe khi uống trà dường như ai cũng gặp phải sau bữa ăn - 2

Không nên uống trà ngay sau khi ăn xong. (Ảnh minh họa)

Những người nên hạn chế uống trà

Ths.BS Tường Vi cũng khuyến cáo trà là loại đồ uống dân dã nhưng nó có chứa chất kích thích (caffein) bởi vậy đối với nhóm người có bệnh lý mãn tính như: tim mạch, huyết áp, được khuyên hạn chế dùng các chất kích thích.

Trong nước trà có chất tanin kìm hãm dung môi có trong dạ dày. Khi hoạt tính của dung môi này bị kìm hãm thì tế bào thành dạ dày sẽ tiết ra một lượng axit dạ dày rất lớn làm cho bệnh viêm loét dạ dày nặng thêm. Do vậy, người bị viêm loét dạ dày không nên uống trà.

Chất tanin có liên quan tới sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày bị suy giảm, đồng thời hoạt động của nhu động ruột cũng bị chậm lại. Hậu quả là việc bài tiết trở nên khó khăn, gây táo bón nặng hơn. Cho nên người bị táo bón cũng không nên uống trà.

Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai cũng không nên uống trà, vì như đã nói trà có chất kích thích nên không tốt cho những đối tượng này. Với một số người uống trà thay nước là tuyệt đối không nên.

Hàng ngày dù có uống trà nhưng vẫn phải uống đủ nước lọc, có thể sử dụng các loại nước hoa quả tươi (sinh tố hoa quả, nước ép hoa quả) để cung cấp vitamin và khoáng chất giúp tăng cường chuyển hóa, thanh lọc cơ thể.

Trong điều kiện thời tiết như mùa hè nhiều người hay sử dụng trà đá, về cơ bản đây là loại đồ uống không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng mọi người cần phải lựa chọn những loại trà có nguồn gốc xuất xứ, địa điểm uống an toàn, không mất vệ sinh. Bởi nếu trà không an toàn, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ rất dễ gây nên các bệnh, đặc biệt là vấn đề về tiêu hóa.

Những biểu hiện cảnh báo bạn nên hạn chế uống trà xanh, nên uống bao nhiêu cốc mỗi ngày?
Trà xanh là loại thức uống rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng quá nhiều có thể gây ra những bất lợi.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thói quen có hại