Thông thường, khi sử dụng dược phẩm và phát hiện rằng hơi thở của mình có mùi lạ thì người sử dụng lại nghĩ rằng họ đã có vấn đề gì đó ở trong mũi, miệng, cuống họng, răng... chứ không biết rằng hơi thở “lạ” là do chính dược phẩm mà họ đang sử dụng gây ra.
Thuốc nào cũng có hai mặt tác dụng. Một mặt có tác dụng trị liệu thì mặt kia lại có những tác dụng phụ. Trong những tác dụng phụ thì có một “món” rất dễ “mích lòng” vì không những gây khó chịu cho mình mà còn gây khó chịu cho người. Đó là tác dụng phụ gây ra hơi thở... dễ xa nhau khi sử dụng một số loại dược phẩm.
Những “thủ phạm” gây hôi miệng
Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhất khi sử dụng dược phẩm chính là do dược phẩm làm khô miệng (xerostomia). Có rất nhiều dược phẩm có tác dụng phụ làm giảm sự tiết nước bọt gây ra khô miệng. Do nước bọt có tính acid nhẹ nên có thể giảm đi số lượng các loại vi khuẩn gây hôi miệng. Khi thiếu nước bọt cũng như “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”, vi khuẩn gây hôi miệng thừa nước đục thả câu, quậy tới bến. Nước miếng cũng có tác dụng ôxy hóa miệng, làm cho hơi thở được trong lành một cách tự nhiên. Những người thường xuyên hút thuốc lá cũng bị chứng khô miệng.
Những dược phẩm thường gây khô miệng nhất là các thuốc kháng histamine, vì loại dược phẩm này sẽ “cấm vận” một số receptor tới não. Một số chế phẩm không cần toa bác sĩ có chứa cồn và hàm lượng cao đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Chất cồn làm khô miệng, chất đường làm thức ăn nuôi vi khuẩn và làm hơi thở càng có mùi khó chịu hơn. Thật là không may, trong khi uống rượu nhiều gây khô miệng và hôi miệng thì các loại thuốc trị nghiện rượu cũng sẽ gây hôi miệng, chẳng hạn một loại thuốc chống co giật là paraldehyde được dùng để trị nghiện rượu sẽ gây hôi miệng, hoặc là disulfiram cũng gây hơi thở có mùi khó chịu vì trong dược phẩm này chứa nhiều sulfur.
Nên giữ miệng đủ độ ướt để hạn chế mùi hơi thở nếu bạn đang sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây hôi miệng.
Một vài loại thuốc không cần toa bác sĩ khác dùng trong việc trị chứng trào ngược acid có chứa dimethyl sulfate do có chứa sulfur nên những loại dược phẩm có chứa dimethyl sulphate sẵn sàng gây hôi miệng cho người dùng.
Những loại dược phẩm khác gây khô miệng dẫn tới hôi miệng bao gồm các thuốc kháng trầm cảm, thuốc trị cao huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau loại narcotics, thuốc lợi tiểu, thuốc chống lo âu.
Với một “rừng” dược phẩm như hiện nay, từ loại thuốc phải kê toa tới các loại thuốc không cần kê toa, dược thảo... sẽ thật khó khăn cho người sử dụng nắm được các tác dụng phụ, vì vậy giải pháp tốt nhất chính là bác sĩ và dược sĩ - là những người sẽ tư vấn cho người sử dụng dược phẩm một cách an toàn và hiệu quả.
Những thuốc “kinh điển” gây hôi miệng
Triamterene: Đây là một loại thuốc lợi tiểu dùng trị cao huyết áp và phù thũng, thuốc này có thể làm nước tiểu chuyển sang màu xanh nhạt.
Paraldehyde: Trị động kinh. Thông thường gan sẽ “rửa ráy” một phần paraldehyde cho máu, tuy nhiên những paraldehyde thoát khỏi gan (khoảng 30%) sẽ ngao du cơ thể rồi “di dân” tới phổi và được bài tiết qua phổi, làm cho bệnh nhân sử dụng loại dược phẩm này có một hơi thở cực kỳ... dễ xa nhau.
Disulfiram: Trị nghiện rượu nhưng lại gây khô miệng, hôi miệng.
Antihistamines: Các thuốc kháng histamines sẽ làm giảm sự tiết nước bọt gây khô miệng.
Nếu bạn sử dụng bất cứ dược phẩm gây khô miệng, tốt nhất là nên giữ miệng đủ độ ướt, chẳng hạn uống nước thường xuyên và tăng lượng nước so với lúc chưa dùng dược phẩm, nhai kẹo cao su không đường nhằm kích thích sự tiết nước bọt, tránh khô miệng.