Tối 29/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, vừa ghi nhận thêm 10 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.
Trong đó có 8 trường hợp liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 2 trường hợp liên quan đến ca bệnh đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ.
Như vậy từ ngày 27/5 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 100 ca nhiễm. Trong đó chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 93 bệnh, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có 7 ca.
Chiều nay kết quả giải mã gen 2 ca bệnh phát hiện tại BV Hoàn Mỹ đều thuộc biến chủng Ấn Độ B.1.617.2. Hai chuỗi lây này đều cùng biến chủng Ấn Độ. Theo đánh giá ban đầu, 2 chuỗi lây nhiễm có thể có mối liên hệ với nhau. Ca nghi nhiễm mới phát hiện của chuỗi 2 ca bệnh phát hiện khi đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có mối liên hệ với chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh.
“Ngành Y tế sẽ tiếp tục làm rõ mối liên hệ này để xác định nguồn lây của các chuỗi lây nhiễm. Những người liên quan đến Hội thánh này cần chủ động khai báo y tế vì nguy cơ lây nhiễm liên quan đến Hội thánh này là rất cao”, HCDC cho biết.
Hà Nội thêm 6 ca dương tính SARS-CoV-2, 1 ca là chuyên gia người Nhật ở Tây Hồ
Chiều tối ngày 29/5, Hà Nội vừa ghi nhận thêm 6 ca dương tính mới với SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca liên quan đến Bắc Ninh.
1) Bệnh nhân N.T.N, nữ, sinh năm 1994. Địa chỉ tại Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân có đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung ngày 17/4. Ngày 6/5, bệnh nhân có đau đầu và khai báo tại trạm y tế xã Tráng Việt và chuyển cách ly tại khoa Truyền nhiễm-Bệnh viện Bắc Thăng Long. Ngày 7/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (lần 1), sau đó được chuyển điều trị tại khoa Y học cổ truyền của bệnh viện từ ngày 7-10/5.
Chiều 10/5, bệnh nhân được chuyển cách ly tại Trường Quân sự Sơn Tây. Ngày 24/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 kết quả âm tính. Ngày 28/5, bệnh nhân xuất hiện sốt và được lấy mẫu lần 3 để xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ảnh minh họa
2) Bệnh nhân L.P.N, nam, sinh năm 1998, địa chỉ tại xã Bắc Tiến, Sóc Sơn. Bệnh nhân là F1 của BN3140 (Mão Điền, Bắc Ninh), lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự Sơn Tây ngày 8/5, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 22/5, bệnh nhân lấy mẫu lần 2 cũng cho kết quả âm tính. Ngày 28/5, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, ho, được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
3) Bệnh nhân Đ.H.L, nam, sinh năm 1998, địa chỉ xã Cự Khê, Thanh Oai. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân V.T.H.N (BN3173, Thanh Oai, liên quan đến ổ dịch Bắc Ninh), lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự Sơn Tây ngày 8/5 cho kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 22/5, bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cũng âm tính. Ngày 27/5, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu. Ngày 28/5 được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
4) Bệnh nhân N.B.H, nam sinh năm 1958, địa chỉ tại xã Quang Tiến, Sóc Sơn. Bệnh nhân là F1 của BN3140 (Mão Điền, Bắc Ninh), lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự Sơn Tây ngày 8/5 kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 22/5, bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 xét nghiệm cũng cho kết quả âm tính. Ngày 28/5, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, ngứa họng, được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
5) Bệnh nhân người Nhật Bản Taki K. nam, sinh năm 1981. Địa chỉ tại 51 Xuân Diệu, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Là chuyên gia của Công ty TNHH Canon Việt Nam, khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Ngày 14/5, bệnh nhân có về Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm tại công ty lần 1 âm tính, sau đó về nhà tại Tây Hồ tự cách ly. Ngày 28/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, ngày 29/5 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
6) Bệnh nhân N.P.K.C, nữ, sinh năm 2015, địa chỉ Yên Viên, Gia Lâm, là F1 của BN5321 (BN P.T.T sinh năm 1987 là F1 của BN5243 - chùm T&T số 2 Phạm Sư Mạnh). Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 ngày 28/5, ngày 29/5 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, trong đợt 4 của dịch COVID-19, Hà Nội ghi nhận 165 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở 22 quận, huyện.
Trong đó chùm ca bệnh tại Đà Nẵng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 46 ca, tiếp theo là chùm 2A Phạm Sư Mạnh (43 ca), chùm Bắc Ninh (23 ca), chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (20 ca), chùm Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (14 ca), chùm Hưng Yên (08 ca), chùm Hải Dương (01 ca) và chùm khác (10 ca). Trân trọng gửi ACE thông tin dịch bệnh ngày 29/5.
Hai vợ chồng mắc COVID-19 đi khám ở BV Hoàn Mỹ mang biến chủng Ấn Độ
Chiều 29/5, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, đã có kết quả giải mã gen liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ hai bệnh nhân mắc COVID-19 từng đến khám ở BV Hoàn Mỹ Sài Gòn (quận Phú Nhuận). Theo bác sĩ Châu, kết quả thu được 2 bộ gene đều thuộc biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (CDC) cho biết, hai vợ chồng bệnh nhân này cư trú tại chung cư Sen Xanh, phường Hoà Thạnh quận Tân Phú. Người vợ làm việc tại ngân hàng VIB chi nhánh tại quận 7. Người chồng làm việc tại ngân hàng SHB tại quận Tân Bình. Người vợ có sốt nhẹ vào gày 23/5 nên ở nhà, không đi bầu cử, không đi khám bệnh hay mua thuốc.
Ngày 24/5 người vợ còn sốt nên không đi làm, ở nhà đến ngày 25/5 thì hết sốt. Vào ngày này thì người chồng có dấu hiệu sốt, đau họng, ho ít. Ngày 27/5 người vợ đưa chồng đi khám bệnh tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, được đưa vào khu cách ly ngay sau khi khám sàng lọc. Kết quả xét nghiệm thời điểm đó hai vợ chồng nghi nhiễm COVID-19.
Mẫu xét nghiệm được chuyển xét nghiệm khẳng định đã có kết quả dương tính vào sáng 28/5. Sau khi nhận thông tin, hệ thống phòng chống dịch tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc. Các trường hợp tiếp xúc gần đã được chuyển cách ly và lấy mẫu xét nghiệm khẩn.
Sáng 28/5 ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi nhiễm là bé trai 3 tuổi con của hai vợ chồng và một nữ đồng nghiệp làm việc chung với người vợ tại ngân hàng VIB tại quận 7. Nữ đồng nghiệp này cư trú tại phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức.
Đến sáng nay 29/5, HCDC cho biết tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp liên quan đến 2 vợ chồng đi khám bệnh tại BV Hoàn Mỹ. Như vậy, đến nay, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại BV Hoàn Mỹ đã có 5 ca.
Cụ ông ở TP.HCM đi cấp cứu tại BV Gia Định phát hiện dương tính SARS-CoV-2
Ngày 29/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đêm 28/05, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (quận Bình Thạnh) tiếp tục phát hiện trường hợp nghi nhiễm COVID-19 thứ 5.
Như vậy chỉ trong vòng 3 ngày bệnh viện này đã liên tục phát hiện những trường hợp mắc COVID-19 và tất cả đều được phát hiện qua khâu sàng lọc đầu tiên.
Theo đó, lúc 21h30 ngày 28/5, một cụ ông 83 tuổi được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định vì yếu nửa người sau khi té xuống nền nhà. Bệnh nhân được đưa vào buồng cấp cứu sàng lọc.
Trong quá trình thăm khám, khai thác bệnh sử, bác sĩ trực tại buồng cấp cứu sàng lọc ghi nhận người bệnh có sốt nhẹ 38,2 độ C, ngay lập tức bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm tầm soát RT-PCR và chụp X-quang tại giường.
“Người bệnh không ho, không đau họng, không mất khứu giác và vị giác. Lúc 7h sáng nay ngày 29/5, khoa Vi Sinh của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của bệnh viện kết quả nghi ngờ dương tính. Đến 8h30, khoa Vi sinh có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2”, Sở Y tế TP.HCM thông tin. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị lúc 9h30 cùng ngày.
Thực hiện theo khuyến cáo của Sở Y tế, bệnh viện bố trí một ê-kíp trực tại buồng cấp cứu sàng lọc, mang khẩu trang, mặc đồ phòng hộ cá nhân. Bệnh viện đã tổ chức lại buồng cấp cứu sàng lọc đảm bảo tách khoa Cấp cứu, trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ cấp cứu, giường bệnh, băng ca,… và đảm bảo tất cả bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu đều phải qua buồng cấp cứu sàng lọc.
Điều đáng ghi nhận chính là các bác sĩ trực tại buồng cấp cứu sàng lọc đã làm chẩn đoán loại trừ COVID-19 cho mọi tình huống cấp cứu (cho dù lý do đến bệnh viện của trường hợp này là yếu ½ người ở người cao tuổi). Chính vì phát hiện bệnh nhân có sốt nhẹ, cư ngụ tại quận 12 nên các bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm kịp thời và giữ người bệnh theo dõi tại buồng cấp cứu sàng lọc.
Từ thực tiễn trường hợp này, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn phải rà soát, bố trí lại buồng cấp cứu sàng lọc đảm bảo tối thiểu 2 yêu cầu: Hướng dẫn phân luồng người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu đảm bảo tất cả phải đến buồng cấp cứu sàng lọc trước tiên; Bố trí nhân viên trực 24/7 tại buồng cấp cứu sàng lọc, luôn mang khẩu trang và mặc đồ phòng hộ cá nhân.
Long An thêm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Long An đã ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ hai lây lan trong cộng đồng.
Chiều nay (29/5), ông Phạm Tấn Hoà (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An) cho biết, qua rà soát, lực lượng chức năng phát hiện thêm ca mắc COVID-19.
Đó là BN 6731, là nam giới (SN 1970, ngụ khu phố 3, phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An). Theo sở Y tế tỉnh Long An, ngày 26 và 27/5, người đàn ông này thăm họ hàng tại Quận 12, TPHCM. Sau khi gia đình tại quận 12 có ca dương tính với SARS-CoV-2 (được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TPHCM), thì người đàn ông này đã liên hệ cơ quan y tế và được lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm lại, mẫu xét nghiệm khẳng định PCR, BN có kết quả dương tính. Hiện BN 6731 đang được cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An).
Có 4 người trong gia đình có tiếp xúc với BN 6731 là F1, được cách ly tại tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. 7 người F2 có kết quả âm tính và đang cách ly tại nhà. Các cơ quan chức năng đã thực hiện phu thuốc thử khuẩn, phong tỏa khu vực nhà BN 6731;truy vết những trường hợp liên quan.
Như vậy Long An đã có 2 ca mắc COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Trong ngày hôm qua là ghi nhận ca mắc của BN 6325 -ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ở tỉnh Long An. BN 6325 là nam giới, ngụ ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, làm nghề đầu bếp tại khách sạn Sheraton, quận 1, TPHCM.
Quảng Cáo
Từ ngày 21 đến 22/5, BN 6325 ăn chung bàn với một ca F0 (cũng là đầu bếp khách sạn Sheraton, có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng). Chiều 27/5, BN 6325 được điều trị tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cần Giuộc. Hiện, địa phương đã xác định được 20 F1 là 7 người trong gia đình, tại nhà thờ Tin Lành là 11 người và ở TPHCM là 2 người. F2 của BN 6325 có 103 trường hợp, trong đó 54 người tại Công ty TNHH Quanon (Khu công nghiệp Long Hậu), công dân tham gia bầu cử là 32 người và 17 cán bộ bầu cử.
Cơ quan chức năng đã khoanh vùng, cách ly tổ 17, ấp 4, xã Long Hậu 28 ngày kể từ 18 giờ 30 phút ngày 27/5/2021. UBND tỉnh Long An cho biết, hơn 100 người F1, F2 với BN 6325 đều có kết quả âm tính SARS-CoV2.
Theo Tiền Phong
TP.HCM ghi nhận thêm 22 ca nghi nhiễm, đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Trưa 29/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, vừa ghi nhận thêm 22 ca nghi nhiễm mới, đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Trong 22 trường hợp có 18 trường hợp đã được truy vết chuyển cách ly từ trước và 4 trường hợp có triệu chứng bệnh đến bệnh viện khai báo. Như vậy, từ ngày 27/5 đến nay, TP.HCM đã phát hiện 2 ổ dịch, tổng cộng 90 ca nhiễm. Trong đó chuỗi lây nhiễm huyện liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 85 ca bệnh, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có 5 ca. “Những người liên quan đến Hội thánh này cần chủ động khai báo y tế vì nguy cơ lây nhiễm liên quan đến Hội thánh này là rất cao”, HCDC khuyến cáo.
Bộ trưởng Y tế cho biết Việt Nam vừa phát hiện chủng virus lai tạo mới
“Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại cuộc họp Chính phủ sáng nay.
Sáng 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã vào cuộc một cách quyết liệt và mạnh mẽ.
Dù vậy, ông Phạm Minh Chính cho rằng tình hình mới diễn biến phức tạp hơn. Chính vì thế, cần có biện pháp phòng chống dịch tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thần tốc hơn mới đẩy lùi, kiềm chế việc bùng phát dịch, đặc biệt tại các thành phố, các khu công nghiệp lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo về tình dịch bệnh trong cả nước. Ông cho biết hiện nay xuất hiện nhiều ổ dịch lớn cùng một lúc ở một số tỉnh thành phố.
“Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong thời điểm hiện nay là lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp” – ông Long nói.
Theo ông Long, qua giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng của Ấn Độ đang phổ biến nhất, chủng Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.
“Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh” – ông Long nói và cho biết trên chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh.
“Đặc điểm của chủng này lây nhanh phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn” – ông Long nói tiếp.
Đối với việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) đang chủ trì phiên họp trực tuyến sáng nay.
Theo ông, chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát.
Do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh.
Đặc biệt, phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. “Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được tăng cường. Cùng đó là tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp” – ông Long nói.
Về giãn cách xã hội, ông Nguyễn Thanh Long xem đây là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch. “Các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống ngươi dân” – ông Long nói.
Về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có một loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3.
Theo ông Long, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Đối với các lô vaccine về sớm nhất, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho hai địa phương này nhanh nhất có thể.
Theo Pháp luật TP.HCM
TP.HCM thêm 6 ca nghi nhiễm COVID-19, 5 người liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Sáng 29/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nghi nhiễm mới.
Theo đó, có 5 trường hợp liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 1 trường hợp liên quan đến 2 vợ chồng đi khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ.
Các trường hợp này đều là F1 của các trường hợp nhiễm và đã được cách ly lấy mẫu xét nghiệm.
Trong 3 ngày vừa qua, TP.HCM đã phát hiện 2 ổ dịch, tổng cộng 68 ca nhiễm tại 12 quận huyện. Trong đó chuỗi lây nhiễm huyện liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 63 ca bệnh, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có 5 ca.
Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người dân ở quận Gò Vấp, TP.HCM.
Cơ quan chức năng TP.HCM tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ. Các biện pháp cắt đứt nguồn lây cũng như điều tra nguồn lây của các chuỗi lây nhiễm này đang được tiếp tục triển khai.
“Người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang. Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền và hợp tác với Ngành Y tế trong thực hiện phong toả, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.Trung thực trong khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác… đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế”, HCDC khuyến cáo.
Thêm một nữ giáo viên ở Hải Phòng dương tính SARS-CoV-2
Sáng 29/5, đại diện Sở Y tế TP thông tin, địa phương vừa ghi nhận thêm một trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Ca bệnh là nữ, là giáo viên Trường THPT Ngô Quyền và là F1 của BN4380.
Trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Theo Sở Y tế TP Hải Phòng, trước đó địa phương ghi nhận nữ giáo viên N.T.T.N (SN 1979), Trường THPT Ngô Quyền dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, lực lượng liên ngành đã rà soát, truy vết và đưa hơn 34 trường hợp F1 đi cách ly tập trung, trong đó có bệnh nhân này và nhiều đồng nghiệp, người thân khác.
Tối 28/5, Trung tâm y tế quận Lê Chân lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với những trường hợp F1 này. Sáng 29/5, kết quả xét nghiệm xác định, thêm một nữ giáo viên Trường THPT Ngô Quyền dương tính SARS-CoV-2.
Sở Y tế đã khẩn trương phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND quận Lê Chân tổ chức phong tỏa, khử khuẩn nơi ca bệnh đang cách ly. Đồng thời điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu và cách ly F1, F2, người tiếp xúc với ca bệnh.
Theo Tiền Phong
TP.HCM: Đã lấy 30.938 mẫu xét nghiệm liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Sáng 29/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn thành phố. Theo HCDC, sáng 29/5, ghi nhận thêm 6 trường hợp nghi nhiễm, nâng tổng số trường hợp nhiễm mới được phát hện từ ngày 27/5 lên 68 trường hợp.
Trong đó 63 trường hợp liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng, 5 trường hợp liên quan ca khám bệnh tại bệnh viện Hoàn Mỹ. Về chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm liên quan.
“Hiện nay đã truy vết được 958 tiếp xúc gần, 671 đã có kết quả âm tính lần 1, 287 đang chờ kết quả. Số trường hợp tiếp xúc F2 và lấy mẫu mở rộng giám sát liên quan là 29.980 trong đó 11.461 đã có kết quả âm tính, 18.519 đang chờ kết quả. Tổng số mẫu xét nghiệm đã lấy trong 3 ngày qua liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh là 30.938 mẫu”, HCDC thông tin.
Hiện tại, TP.HCM có 3.977 người đang cách ly tập trung, 2.608 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. TP.HCM đã mở thêm khu cách ly tập trung tại khu huấn luyện an ninh quốc phòng tại Thành phố Thủ Đức.