Vì sự chủ quan và tiện lợi không ít người tin vào các hiệu kính mắt, trong đó có cả nghệ sĩ Xuân Bắc, kết quả là thị lực của con trẻ bị ảnh hưởng vì đeo kính sai số.
Mới đây, trên trang cá nhân nghệ sĩ Xuân Bắc có chia sẻ với tựa đề “Sự ân hận kịp thời của một ông bố” đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Nội dung chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Bắc xoay quanh câu chuyện đi cắt kính mắt ở một hiệu kính gần nhà cho 2 con trai, sau một thời gian dài đeo kính, anh đưa con tới bệnh viện chuyên khoa kiểm tra thì cho kết quả bất ngờ.
“Cách đây mấy năm thấy mắt cu Minh (tên đầy đủ là Nguyễn Nhật Khánh Minh) nheo nheo và hay chói khi ra nắng, mình cho đi khám = cận = đeo kính. Nhìn thằng cu còm còm bỗng nhiên thêm cái kính cận, mình đã rất giận mình và thương con. Giận vì cảm thấy mình chưa quan tâm, chưa thực sự quan tâm con mình. Còn thương thì chắc mọi người cũng hiểu, trăm sự lỗi tại mình hết”, nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ.
Chỉ sẻ của nghệ sĩ Xuân Bắc nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Sau khi “cậu cả” đeo kính được 6 tháng, bé Bi Béo (tên thật là Nguyễn Nhật Võ Nguyên - con trai thứ 2 của NSUT Xuân Bắc) thường xuyên kêu bị đau đầu và được đưa đi khám nhưng không phát hiện bất thường gì. Gia đình đưa Bi Béo đi khám mắt thì phát hiện bé bị cận lệch và phải đeo kính.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thừa nhận: “Để tiện công việc mình toàn đưa con ra hiệu kính thuốc gần nhà đo và cắt. Bản thân mình cũng thế, có vấn đề gì là ra đó cho nhanh.
Kính lên số, đó là điều không tránh khỏi (mình đoán thế). Chú bán kính cứ cho đeo thử, cái nào cháu nhìn nét là lắp thôi. Không quá 20 phút là xong. Cũng phải nói thêm, vợ chồng chú bán kính cũng rất nhiệt tình và bán rẻ”, NSƯT Xuân Bắc kể lại.
Thời gian vừa qua giãn cách xã hội, rồi học online nhiều, hai con trai của nghệ sĩ Xuân Bắc cứ sau mỗi buổi học là bơ phờ, mắt liếc lên liếc xuống. “Ngay cả bản thân mình cũng phải đeo kính vì công việc, kịch bản quá nhiều… và giờ đã cần kính lão. Nhưng dịch thì phức tạp, nghĩ đến việc đi khám mà ngại”, nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ trên trang cá nhân.
Sau khi đi khám Xuân Bắc mới phát hiện hóa ra bấy lâu nay tin vào hiệu kính thuốc để đo và cắt kính cho con là sai lầm.
Mới đây, nhân tiện có một cô bạn rủ đi khám mắt tại bệnh viện chuyên khoa, nghệ sĩ Xuân Bắc đã đưa cả hai con trai đến bệnh viện kiểm tra luôn thể. Tại bệnh viện, ba bố con được một bác sĩ là chuyên gia đầu ngành về nhãn khoa kiểm tra chụp chiếu, nhỏ thuốc điều tiết, soi mắt… và kết quả rất bất ngờ.
“Bác sĩ kết luận:
- Mắt Xuân Bắc bắt đầu phải đeo kính, đây là điều bình thường vì theo tuổi tác.
- Mắt bé Minh và bé Bi có vấn đề nghiêm trọng.
- Nghệ sĩ Xuân Bắc hỏi: Sao lại thế? Các con đi khám thường xuyên, đổi kính liên tục. Cái nào nét là mua mà!!!
- Bác sĩ trả lời: Hai cháu, đứa nào cũng đeo kính nặng hơn độ cận của mắt từ 1 đến 1,5 độ.
- Nghệ sĩ Xuân Bắc bất ngờ: Ôi thôi chết. Không thể tin được, bác sĩ có nhầm không. Em quan tâm đến cháu lắm mà.
- Bác sĩ trấn an: Tôi không bảo Xuân Bắc không quan tâm đến con, nhưng các cháu đã đeo kính nặng hơn độ cận một thời gian dài đấy” – đó là nội dung đoạn hội thoại giữa nghệ sĩ Xuân Bắc và bác sĩ khám mắt.
Nghệ sĩ Xuân Bắc được chuyên gia nhãn khoa kiểm tra lại thị lực.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích, nghệ sĩ Xuân Bắc chỉ biết tự trách mình đo kính cho con một cách quá ngây thơ. “Nghĩ đơn giản cắt kính là xong mà không khám chuyên môn. Đến bây giờ khi viết những dòng này tôi vẫn thấy mình thật có lỗi!!!
Vì sự chủ quan, tôi đã khiến đôi mắt của bọn trẻ phải vất vả mấy năm trời và có nguy cơ nguy hiểm nữa. Chúng ta hay bỏ qua, không khám mắt cho đến khi không thể chịu nổi. Đó là sai lầm. Mong các bậc làm cha mẹ đừng chủ quan như tôi”, Xuân Bắc tự trách mình và khuyên mọi người.
PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, việc phụ huynh đang phó mặc đôi mắt của con mình cho các cửa hàng kính mắt xảy ra rất nhiều. Điều này cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của trẻ. Thực tế quá trình khám bệnh, bác sĩ đã gặp nhiều trẻ bị ảnh hưởng thị lực vì tin tưởng đo thị lực ở cửa hàng kính mắt. Theo PGS Đức Anh, hiện nay có tới 95% các cửa hàng kính mắt có máy đo tật khúc xạ tự động nhưng người học không đựợc đào tạo bài bản. Họ chỉ dựa vào máy đo tự động và cắt kính. Điều này có thể gây ra những hệ luỵ như cận thị giả, đo sai số kính. Để con có cặp kính chính xác, PGS Đức Anh khuyên phụ huynh cần lựa chọn cơ sở kính thuốc đủ chuyên môn, trang thiết bị. Theo ông, máy đo khúc xạ tự động là công cụ hỗ trợ việc đo thị lực chứ không phải yếu tố quyết định. Trong nhiều trường hợp, máy đo sẽ "đánh lừa" người khám nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn. Nhiều cháu bé có độ cận thị nhẹ nhưng khi ngồi vào máy đo lại cho ra chỉ số cao hơn nhiều. Lý do là trong khi chờ đợi khám và đo khúc xạ, trẻ tranh thủ xem điện thoại, chơi điện tử khiến điều tiết của mắt tăng cao. |