Cháu Triệu Tuấn S. vào viện trong tình trạng quấy khóc từng cơn, nôn nhiều, kèm theo đi ngoài ra máu…
Ngày 21/8, Khoa Ngoại Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Triệu Tuấn S. (9 tháng tuổi), trú tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Trẻ vào viện trong tình trạng quấy khóc từng cơn, nôn nhiều, kèm theo đi ngoài ra máu… được gia đình cho nhập viện khám và kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh hạch mạc treo kích thước lớn nhất 10mm, vị trí dưới gan có hình ảnh khối lồng ruột kích thước 30x25mm, xung quanh không thấy dịch.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán cháu S. bị lồng ruột cấp và chỉ định phương pháp gây mê thanh quản và tháo lồng bằng bơm khí cho bé.
Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 20 phút, các bác sĩ đặt hậu môn, tháo lồng thành công cho bệnh nhi.
Hiện tại sức khỏe của cháu S. đã ổn định, bé được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng…
Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu cho biết, bệnh lồng ruột ít xảy ra ở người lớn và thường gặp là ở trẻ em khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở xuống nhưng rất khó phát hiện.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh không được chủ quan xem thường khi trẻ đang chơi, đột nhiên đau bụng, khóc thét, co chân đạp mạnh hoặc giãy nảy người vì đau thắt từng cơn, cơn đau lặp đi lặp lại nhiều lần đó là các dấu hiệu sớm của lồng ruột.
Nếu muộn hơn trẻ có triệu trứng đi ngoài ra máu tươi có lẫn chút nhầy, có khi còn lẫn cục máu đông. Đây là một triệu chứng để cha mẹ có thể nghi ngờ con mình bị bệnh lồng ruột cấp cần phải đưa trẻ đến viện khám và điều trị ngay.
Trường hợp trẻ đến muộn phải mổ cấp cứu do đoạn ruột của trẻ đã chui sâu vào bên trong gây tắc ruột, phù nề và hoại tử, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.