Mưa nắng thất thường và nắng nóng làm nhiều người bị sốt, đặc biệt là trẻ em. Đã có nhiều trường hợp xử lý sốt sai lầm, chậm và không đúng cách khiến người bệnh tổn thương các tế bào thần kinh, rối loạn thần kinh não nguy hiểm hơn có thể gây hôn mê hoặc tử vong.
Những lầm tưởng
BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bố mẹ thường mắc những sai lầm khi nhà có trẻ bị sốt như sau:
Nhà có cặp nhiệt độ, nhưng mắc sai lầm là lười cặp nhiệt độ cho con, mà hay sờ tay kiểm tra trán trẻ nóng hay không. Việc cặp nhiệt độ để biết khi trẻ sốt 38,5 độ C trở lên là phải hạ sốt. Ở mức sốt vừa 38-38,5 độ C thì cơ trẻ có thể chịu đựng được, nhưng với mức sốt cao 39-40 độ C trở lên dễ bị co giật, gây thiếu oxy não. Nếu sờ trán kiểm tra sốt sẽ không chính xác.
Các bố mẹ thường sai lầm dùng thuốc hạ sốt, trị ho tùy tiện khi trẻ vừa mới sốt. Tự ý cho uống kháng sinh, vừa không giảm sốt hiệu quả, còn làm trẻ mệt mỏi và có hại cho sức khỏe. Thuốc kháng sinh là con dao 2 lưỡi, dùng đúng thì khỏi bệnh, nhưng dùng sai thì rất có hại.
Nhiều bố mẹ đã sai lầm là trẻ bị sốt bệnh gì cũng dùng Paracetamon, Efferangan. Có người dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ là sai lầm, vì Aspirin giúp hạ nhiệt, giảm đau, nhưng không được dùng cho trẻ dưới 18 tuổi.
Đừng lười cặp nhiệt độ cho người bị sốt. Ảnh minh họa.
Tự ý truyền hoặc tiêm thuốc giảm sốt cho con, mà không biết rằng tiêm/ truyền trẻ sẽ đau và ít được nghỉ ngơi hoàn toàn, và chưa chắc đã giảm được sốt nhanh, nhất là sốt virut.
Cạo gió cũng rất hay gặp, vì nhiều rủi ro khó lường. Dấu vết cạo gió để lại sẽ khiến bác sĩ sẽ khó xác định bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết.
Dùng túi đá chườm lạnh cho con không đúng, vì cơ thể đang ấm, nếu chườm lạnh, nhiệt độ nóng - lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, dễ bị suy hô hấp.
Vắt chanh vào miệng khi trẻ sốt cao nhằm hạ sốt cũng là sai lầm, vì trẻ có thể sẽ hít vào phổi và gây nên bệnh viêm phổi.
Sai lầm hay gặp là thấy người sốt kêu rét là đắp chăn, mặc thêm quần áo, như thế sẽ làm mất thải nhiệt và làm sốt cao lên, hấp nhiệt, có thể gây tổn thương tới não, hoặc co giật sớm hơn.
Nhiều người kiêng sốt quá đá, mà bỏ qua việc vệ sinh cơ thể cho bệnh nhân.
Dùng thuốc hạ sốt cần đúng y lệnh. Ảnh minh họa.
Dùng thuốc hạ sốt sao cho đúng
Theo các bác sĩ, thuốc hạ sốt phổ biến là Paracetamon, Efferangan dạng viên nén, sủi, thuốc đặt, dùng cách 4-6 giờ/lần khi sốt. Thuốc đặt hậu môn có tác dụng nhanh như thuốc uống, thuốc sủi, rất tiện lợi.
Các bố mẹ nên biết rõ rằng: Paracetamon, Efferangan là thuốc hạ sốt, giảm đau. Babycomplex chứa cả 3 loại thuốc trị ho, sốt, chảy mũi nên chỉ dùng để hạ sốt khi trẻ có ho, sốt do cảm cúm.
Còn trẻ ho thì đã có thuốc riêng trị ho. Chảy mũi có thuốc riêng trị sổ mũi. Bị sốt có thuốc hạ sốt. Có triệu chứng 1 bệnh thì dùng thuốc chữa 1 bệnh, không dùng tuỳ tiện. Nếu bố mẹ không có kinh nghiệm lựa chọn thuốc, tốt nhất là không nên tự ý dùng, mà nên đưa trẻ đi khám, mua thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
Khi trẻ thức thì dùng thuốc dạng uống (gói, viên nang, sủi bột, sirô). Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Với viên đặt hậu môn, khi dùng thuốc, không được tự ý nhân hoặc chia liều (không được đặt 2 viên hoặc nửa viên 1 lần, mà phải đặt cả viên 1 lần). Thuốc đặt dễ dùng, nhưng bảo quản phải đúng cách, nếu thuốc bị mềm sẽ đặt rất khó. Không nên cho thuốc đặt vào ngăn đá tủ lạnh vì sẽ hỏng thuốc luôn. Hãy đặt loại thuốc này ở cánh tủ lạnh. Thuốc đặt hậu môn dùng hạ sốt khi trẻ ngủ, bị nôn ói.
Đừng thấy sốt mà cho uống thuốc hạ ngay. Thực tế sốt dưới 38 độ C chưa cần phải uống thuốc giảm sốt, vì làm tăng thêm 'gánh nặng' cho gan, thận của trẻ. Lạm dụng Paracetamol có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Paracetamol nếu kết hợp không đúng thuốc. Tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định là rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe mà còn làm bị sốt nặng hơn.
Thuốc nhét hậu môn có thể gây tác dụng phụ, do đó cần đo nhiệt độ chính xác mới cho con uống thuốc theo y lệnh, và uống đủ liều lượng.
Trẻ sốt kèm ngủ li bì, khó đánh thức cần đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay.
Khi nào đưa trẻ đi viện?
Không nên thấy sốt mà bỏ qua việc vệ sinh cơ thể vì có nguy cơ bị nhiễm trùng da. Dùng nước ấm lau người còn giúp người bị sốt cảm thấy dễ chịu. Nếu là trẻ em, lau người hoặc tắm xong không cho ngồi điều hòa và quạt để tránh bị lạnh và sốt cao thêm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên, thực tế, khi trẻ em bị sốt thì việc làm mát bằng nước ấm lau người giúp giảm sốt rất tốt. Cách làm mát là lau nước ấm, không lau nước lạnh vì sẽ làm trẻ run và làm tăng thêm thân nhiệt.
Trẻ nhỏ không nên quấn tã chặt, không ủ thêm chăn. Trẻ lớn cần cởi bớt quần áo. Khi trẻ sốt 2 ngày không đỡ, sốt cao, sốt kèm các dấu hiệu ho, khò khè, khó thở, có nôn hoặc tiêu chảy, sốt kèm phát ban, đau tai, chảy nước tai, hoặc sưng đau sau tai, sốt kèm đau đầu dữ dội, đau họng, đau bụng… cần đi khám càng sớm càng tốt.
Trẻ 3 - 6 tháng tuổi nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, trẻ 6 - 12 tháng tuổi, thân nhiệt vượt quá 39 độ C, trẻ ho nhiều, khó thở, nôn ói, sốt kèm tay chân lạnh, không ăn uống được, hoặc có dầu hiệu xuất huyết, nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra có màu, đi ngoài phân đen như bã cà phê… cần đi khám sớm.
Đặc biệt trẻ bị sốt kèm các triệu chứng ngủ li bì, khó đánh thức thì đang đêm cũng phải đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay, không nên trù trừ tự giảm sốt ở nhà nữa.
Nếu trẻ sốt cao hay kéo dài quá 48 giờ, kèm theo nôn mửa, ho, khò khè, khó thở… cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Còn trường hợp trẻ sốt cao, co giật, bỏ bú li bì cần nhập viện khẩn cấp.
Sốt cao là đo nhiệt độ ở nách đạt 38,5 độ C. Khi trẻ bị sốt, hãy dùng khăn ướt, lau mát cho trẻ, chốc chốc lại cho uống nước cam, chanh, nước lọc ấm. Biện pháp này phải làm lâu mới hạ được sốt. Còn thuốc hạ sốt có tác dụng trong vòng 30 phút. Nếu bác sĩ cho điều trị tại nhà, cần tuần theo y lệnh. Luôn có người bên cạnh chăm sóc trẻ, lỡ có dấu hiệu trở nặng là kịp thời đưa đến bệnh viện ngay. Lưu ý, miếng dán hạ sốt ít hiệu quả. |