Trung niên Hà Nội phải vào viện cấp cứu sau khi uống thuốc chữa đau răng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/08/2022 11:35 AM (GMT+7)

Sau khi tự ý mua thuốc về sử dụng, nam bệnh nhân bất ngờ có những biểu hiện khó thở, tụt huyết áp, mắt môi phù nề và được chuyển tới viện cấp cứu. Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là do sốc phản vệ.

Bác sĩ Vương Trung Kiên - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, tối 15/8, các bác sĩ vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tự ý mua thuốc điều trị đau răng. Bệnh nhân là người dân địa phương, 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng phù nề mắt, môi, khó thở, nhịp tim không đều, huyết áp tụt.

Trước khi xảy ra tình trạng trên, người bệnh ra quầy thuốc gần nhà mua và được người bán thuốc “kê đơn” cho một loại thuốc có hai thành phần kháng sinh (metronidazol, spiramycin).

Bác sĩ Đào Ánh Tuyết - người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân thông tin thêm, đây không phải là lần đầu tiên bệnh nhân có phản ứng với loại thuốc này. Trước đó, người bệnh từng bị dị ứng nghiêm trọng khi sử dụng kháng sinh trên, tuy nhiên lần này vẫn tiếp tục dùng và xảy ra tình trạng phản vệ.

Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là người có tiền sử di ứng. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là người có tiền sử di ứng. (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ, người bệnh đã giảm khó thở, tuy nhiên hai mắt và môi vẫn sưng nề. Các bác sĩ nhận định, trường hợp này may mắn là nhập viện kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân hiện tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Ánh Tuyết, phản ứng phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và diễn biến rất nhanh. Thậm chí, có những tác nhân dù đã tiếp xúc rất nhiều lần, những lần trước đó hoàn toàn bình thường, vẫn có thể gây ra phản ứng phản vệ ở lần tiếp xúc sau, đặc biệt là các loại thuốc.

Vì vậy, sau khi dùng thuốc, đặc biệt là những người đã có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng: nổi ban da ngứa, buồn nôn, đau bụng, khó thở, tức ngực... cần đến khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị, tránh lạm dụng thuốc để hạn chế các tác dụng phụ. Bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ cần thông tin rõ về tiền sử bệnh khi đi khám để bác sĩ hiểu rõ và điều trị đúng cách.

                                  1 trong 4 học sinh sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Covid-19 đã tử vong
Trong 4 học sinh ở Bắc Giang bị sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Covid-19, đã có 2 trường hợp xuất viện; 2 trường hợp nặng cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, có 1 bệnh nhân đã tử vong.

Tử vong sau tiêm vắc xin

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác