Bắc Giang: Tiêm vắc xin phòng COVID-19, 4 học sinh bị sốc phản vệ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 26/11/2021 16:26 PM (GMT+7)

Trong quá trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, có 4 học sinh tại 2 trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị sốc phản vệ, trong đó có 2 trường hợp nặng đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Chiều 26/11, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện 4 học sinh bị sốc phản vệ sau khi tiêm phòng vắc xin COVID-19 (vắc xin Pfizer) đang được điều trị, trong đó có 2 trường hợp nặng đã được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, ngày 24/11, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động tiến hành tiêm vắc xin Pfizer mũi 1 phòng COVID-19 cho học sinh cấp 3 tại 2 trường THPT Nội trú Sơn Động và trường THPT Sơn Động số 2 (Bắc Giang).

Hai học sinh bị số phản vệ nặng được chuyển xuống BV Bạch Mai cấp cứu.

Hai học sinh bị số phản vệ nặng được chuyển xuống BV Bạch Mai cấp cứu.

Trong quá trình tiêm có 4 học sinh bị sốc phản vệ, trong đó có 2 trường hợp nặng. Với hai trường hợp nặng, sau khi tiêm các em xuất hiện triệu chứng choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái. 

Cả hai sau đó được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Sơn Động bằng ô tô chuyên dụng, trên đường chuyển viện,  trẻ có biểu hiện da tái, nhịp tim chậm, có nguy cơ ngừng thở, SpO2 dưới 90%.

Tại Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, hai học sinh lơ mơ, da tái lạnh và có một số biểu hiện bất thường khác, được chẩn đoán sốc phản vệ độ 2 và 3 sau tiêm. 

Được biết, sau khi chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai, một trường hợp đã phải đặt ECMO (hỗ trợ tim, phổi nhân tạo). Hiện sức khỏe hai học sinh vẫn được các bác sĩ theo dõi sát.

Nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, đạt được tiến độ của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang vừa có công văn gửi Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và một số bệnh viện về việc đảm bảo trực cấp cứu, hỗ trợ cấp cứu kịp thời trong triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, tuân thủ nghiêm quy trình tiêm chủng: Khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm; thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định; theo dõi sát sau tiêm chủng (ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm).

Trong các đợt triển khai tiêm chủng diện rộng, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cần tham mưu cho UBND các huyện, thành phố huy động nhân lực cấp cứu, xe cứu thương của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn cùng phối hợp triển khai tại các điểm tiêm, cụm tiêm đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Các huyện ở xa như Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế cần chủ động liên hệ đề nghị hỗ trợ cấp cứu từ các Bệnh viện Đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh.

Các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Sản Nhi, Ung bướu tiếp tục duy trì các tổ cấp cứu lưu động, phản ứng thật nhanh khi các huyện cần hỗ trợ, yêu cầu tối đa không quá 2 giờ tổ cấp cứu hỗ trợ phải có mặt tại đơn vị đề nghị được hỗ trợ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, mỗi bệnh viện chuẩn bị ít nhất 5 giường bệnh Hồi sức cấp cứu để kịp thời cấp cứu, điều trị cho các trường hợp phản vệ (khi cần).

Thanh Hóa: Nhân viên y tế dùng 1 tăm bông lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho nhiều người
Khi lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho người dân, nữ nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã sử dụng 1 que tăm bông ngoáy mũi cho nhiều người cùng thời điểm.

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề COVID-19 ở trẻ em