Từ trường hợp mang song thai sinh cách nhau 14 ngày: Bác sĩ chuyên khoa sản nói gì?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 26/11/2020 14:40 PM (GMT+7)

Việc thai phụ mang thai đôi, nhưng sinh hai lần cách nhau 14 ngày là hiếm gặp, đặc biệt là nếu sinh non trẻ sống sót lại càng hiếm gặp hơn.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã điều trị, cứu sống thành công bé gái sinh non ở tuần thai thứ 26 với cân nặng 480 gram khiến không ít người khâm phục. Đây cũng là em bé sơ sinh nhẹ cân nhất được cứu sống tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Điều đáng nói là trong hành trình mang thai, sản phụ Nguyễn Thị Huệ (SN 1989) đã mang thai đôi nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến tuần thai thứ 24 sản phụ này sinh một em bé trước, tuy nhiên do quá yếu em bé này đã tử vong. Khi đó, sản phụ vẫn còn một em bé trong bụng và các bác sĩ quyết định can thiệp để giữ lại em bé đó, với hy vọng thêm được càng nhiều thời gian càng tốt.

Thạc sĩ, bác sĩ Tô Văn Vũ – Trưởng khoa Sản bênh (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, để giữ được em bé còn lại trong bụng, các bác sĩ đã quyết định kẹp dây rốn thai mất và tiếp tục điều trị theo dõi từng giờ, từng ngày thai nhi còn lại.

Bác sĩ Vũ cho biết, sở dĩ sản phụ có thể sinh một bé nhưng vẫn giữ được một bé trong bụng là do hai thai là hai buồng ối, hai bánh rau. “Tỷ lệ mang hai thai, có hai ối, hai bánh rau nhưng sinh một bé trước, một bé sau là hiếm gặp. Đặc biệt,  việc sinh non tháng lại cứu sống được cháu bé thì càng hiếm gặp hơn. Đây là lần đầu tiên bệnh viện gặp và cứu sống thành công một trường hợp. Thậm chí, tại bệnh viện tuyến cuối về sản khoa cũng chỉ mới có 1-2 trường hợp”, bác sĩ An cho hay.

Từ trường hợp mang song thai sinh cách nhau 14 ngày: Bác sĩ chuyên khoa sản nói gì? - 1

Trường hợp của sản phụ Huệ là rất hiếm gặp.

Sở dĩ trường hợp sản phụ Huệ giữ lại được một thai sau khi đã sinh 1 bé trước đó 2 tuần, theo bác sĩ An ngoài trình độ bác sĩ, áp dụng mọi vật lực tốt nhất trong bệnh viện thì vấn đề khống chế được nhiễm trùng là rất quan trọng.

Trước đây, trường hợp thai phụ mang song thai nếu sảy một thai, thai còn lại sẽ có chỉ định đình chỉ chứ không giữ lại. Bởi giữ lại sẽ ảnh hưởng đến người mẹ, có thể phải cắt tử cung, mất khả năng sinh con sau đó, hoặc nhiễm trùng nặng hơn, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Một vấn đề rất quan trọng nữa đó là trước đây kỹ thuật, thuốc chưa đủ tốt nên việc kiểm soát nhiễm trùng rất khó khăn. Còn hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật, có nhiều loại thuốc tốt nên kiểm soát được nhiễm trùng, kiểm soát được chảy máu nên mới giữ thai còn lại”, bác sĩ An nói.

Chuyên môn trình độ bác sĩ và có thuốc tốt là điều rất cần thiết, nhưng theo bác sĩ An với trường hợp sản phụ Huệ vấn đề tâm lý cũng quan trọng không kém. “Một người mẹ vừa sinh con rồi bị mất, vừa phải cố gắng giữ lại một con trong bụng là điều rất ít xảy ra và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Bởi vậy, khi điều trị giữ thai cho bệnh nhân chúng tôi luôn túc trực ở bên, an ủi động viên thậm chí là quan tâm hơn cả người thân của chính mình để bệnh nhân an tâm tĩnh dưỡng”, bác sĩ An chia sẻ.

Còn đối với em bé trong bụng mẹ, vấn đề lớn nhất đó chính là nhiễm trùng, không kiểm soát được vấn đề này thì sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vì thế, thời gian trước khi chào đời, các bác sĩ phải liên tục theo dõi nguy cơ sinh non, siêu âm hàng ngày, đặt máy morniter theo dõi, vệ sinh âm đạo… Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng phải xử lý ngày, trường hợp không xử lý kịp thời sẽ không còn cơ hội cho thai nhi.

Cuối cùng bác sĩ An cho rằng, đối với những thai phụ mang thai đôi việc theo dõi thai trong suốt quá trình là vô cùng quan trọng. Bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện ngay để được can thiệp và xử lý kịp thời, tuyệt đối không chủ quan.

Sinh đôi nhưng 2 bé cách nhau 14 ngày, một bé mất, một bé nặng 4 lạng được cứu sống
Sau quá trình giành giật sự sống, bé Ốc đã được về nhà trong vòng tay bố mẹ, điều đặc biệt đây cũng là ca sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam được cứu...
Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh non