Một năm trước, Linh, 32 tuổi, cảm thấy cuộc sống sụp đổ khi nhận chẩn đoán mắc ung thư di căn vào ngày con trai cô tròn một tuổi.
Thùy Linh, ở Đống Đa, tình cờ phát hiện dấu hiệu bất thường trong đợt khám sức khỏe định kỳ. Đến Bệnh viện đại học Y Hà Nội, bác sĩ yêu cầu sinh thiết, kết quả ung thư biểu mô nhú tuyến giáp, đã di căn hạch bạch. Ê kíp yêu cầu cô nhập viện sớm để phẫu thuật, xử lý khối u.
Tin dữ đến với Linh vào ngày con trai cô tròn một tuổi. Người phụ nữ phóng xe lang thang khắp Hà Nội trong cơn mưa đầu hè. Trái tim cô như vỡ vụn khi hình dung ngày đầu tiên đến trường, lễ tốt nghiệp, hoặc buổi thành hôn của con sẽ không còn mẹ.
Người phụ nữ suy sụp, không chấp nhận bản thân bị ung thư vì cô cho rằng đây là căn bệnh của người già. Linh là người có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, ăn nhiều chất xơ, hạn chế đường và thực phẩm nhanh. "Không thể nào lại là ung thư, chắc chắn bác sĩ đã chẩn đoán nhầm", cô tự nhủ, đến ba bệnh viện khác kiểm tra lại.
Khi nhận về các kết quả giống nhau, người phụ nữ thêm lo lắng vì gánh nặng tài chính điều trị ung thư có thể quá lớn trong trường hợp di căn lan rộng, hoặc cơ thể cô không đáp ứng phác đồ điều trị thông thường. Các phương pháp điều trị mới thường đắt đỏ, trong khi BHYT chỉ tài trợ một phần.
"Tôi còn bố mẹ già ở nông thôn, phải giúp đỡ tài chính cho ông bà. Lương cũng chỉ đủ ăn, nhà vẫn đi thuê, con nhỏ, sự nghiệp dang dở", cô kể, thêm rằng khó chấp nhận viễn cảnh bố mẹ đầu bạc vào viện chăm sóc con đầu xanh. "Ở tuổi này, trách nhiệm của tôi là báo hiếu đấng sinh thành nhưng căn bệnh lại khiến tôi thành gánh nặng của bố mẹ", Linh nói.
Người trẻ gặp nhiều thách thức khi mắc ung thư. Ảnh: Theo Cambridge today
Tương tự, Hải Anh, nhân viên tiếp thị, nhận chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2 ở tuổi 30, phải phẫu thuật và hóa trị. Lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn, Anh khát khao tìm được người bạn đời phù hợp, lập gia đình và sinh những đứa con. Tin dữ ập đến, cô suy sụp không chỉ vì mắc bệnh khi tuổi còn trẻ, mà ước mơ có gia đình riêng trọn vẹn cũng tan vỡ.
"Liệu có người đàn ông nào chấp nhận bạn đời mắc ung thư, cơ thể khiếm khuyết", người phụ nữ nói, thêm rằng trước khi hóa trị, bác sĩ khuyên cô bảo tồn buồng trứng và có thể làm thụ tinh nhân tạo (IVF) nếu muốn. Tuy nhiên, kể cả đơn thân sinh con, cô vẫn phải đối mặt với việc ung thư có thể quay trở lại. Mặt khác, chi phí bảo tồn trứng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng trong khi thu nhập của Hải Anh chỉ đủ sống, chưa kể tiền thuốc men, thực phẩm... điều trị ung thư.
"Trong khi bạn bè tôi thăng tiến, lập gia đình, đạt được những thành công trong xã hội thì tôi gặm nhấm nỗi đau của mình với mái tóc rụng từng mảng, các cơn buồn nôn từ sáng đến đêm do tác dụng phụ của hóa chất", người phụ nữ chia sẻ.
Ung thư từng được coi là căn bệnh của tuổi già, nhưng một nghiên cứu năm 2020 do các nhà khoa học tại Viện Ung thư Pennsylvania dẫn đầu phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc tất cả bệnh ung thư ở nhóm 15-40 tuổi tăng 30% kể từ những năm 1970. Nghiên cứu gần đây trên BMJ Oncology cho thấy các trường hợp mắc mới ở nhóm này tăng 79% trong ba thập kỷ qua. Chỉ riêng ở Mỹ, số ca ung thư mới được chẩn đoán ở người 18-40 tuổi là 3,26 triệu, trong đó phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, ruột và dạ dày... Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính xác về số người trẻ mắc ung thư, song các bệnh viện ghi nhận nhóm bệnh nhân này ngày càng tăng.
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết chẩn đoán ung thư là "địa ngục" ở mọi lứa tuổi, nhưng thách thức mà người dưới 40 tuổi phải đối mặt sẽ đặc biệt khó khăn. Vì căn bệnh có thể phá vỡ triển vọng sự nghiệp, công danh hoặc hạnh phúc của thế hệ đang bước vào giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời. Nhóm khác mang gánh nặng công việc và tài chính dở dang, con nhỏ, cha mẹ già cần chăm sóc. Với người chưa lập gia đình, các biến chứng như phải cắt vú, tử cung, buồng trứng, đeo hậu môn giả,... khiến họ mặc cảm, rút lui khỏi xã hội.
Một nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trên hơn 20.000 bệnh nhân ung thư trẻ tuổi, cho thấy nhóm này có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lo lắng và các bệnh về sức khỏe tâm thần trong suốt cuộc đời cao hơn, ngay cả sau khi bệnh ung thư đã thuyên giảm, đặc biệt ở nhóm tuổi 30 và 25. Riêng nhóm trẻ từ 15 đến 19 tuổi thường có nguy cơ tử tự cao hơn.
Một công trình khác phát hiện những người trẻ sống sót sau ung thư có nguy cơ mắc 24 vấn đề sức khỏe cao hơn, gồm suy tim, bệnh thận, gan, mất thính lực, thậm chí đột quỵ. Họ cũng phải đối mặt với những thách thức đặc biệt trong học tập, sự nghiệp, cũng như trải qua căng thẳng khi liên tục kiểm tra liệu ung thư có quay trở lại, hoặc các khối u ác tính có gây bệnh khác. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bức xạ tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, nhưng chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu, ung thư vú, phổi và tuyến tụy.
Ngoài thách thức thể chất và tinh thần, mối lo ngại về chi phí cũng có thể đè nặng bệnh nhân trẻ, những người không có nhiều tài sản và tiền tiết kiệm như người lớn tuổi. Nhiều loại thuốc mới giá hơn 100 triệu đồng một liều, lên đến hàng tỷ cho cả quá trình, bảo hiểm y tế không chi trả khiến người bệnh khó mua được, đồng nghĩa chấp nhận mất cơ hội sống.
Trước những khó khăn này, các bác sĩ cho rằng điều quan trọng là bệnh nhân không được bỏ bê sức khỏe tinh thần của mình vì các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa tâm lý tích cực và khả năng sống sót tốt hơn. Cụ thể, tâm lý và tinh thần tích cực sẽ tác động trực tiếp đến việc tuân thủ các phương pháp điều trị cũng như các lần tái khám với bác sĩ, xây dựng lối sống lành mạnh, giúp chất lượng cuộc sống được cải thiện. Ngoài ra, nếu người bệnh căng thẳng quá mức, họ có thể tìm các chuyên gia tâm lý để được trị liệu bằng những kỹ thuật như chấp nhận và cam kết, giúp bệnh nhân buông bỏ lo lắng, tập trung vào hiện tại.
Mặt khác, để giảm sự hoang mang, bác sĩ luôn ưu tiên giải thích kỹ về các kiến thức y khoa liên quan đến căn bệnh của họ. Đơn cử, tác dụng phụ của hóa xạ trị lên khả năng sinh sản như thế nào? Những phương pháp điều trị ở tuổi 20-30 sẽ có hậu quả gì ở tuổi 50-60 và cách phòng ngừa. Ngay cả khi ung thư biến mất, họ có cần sàng lọc thường xuyên không? Khi ung thư trở lại, họ cần có những chiến lược ứng phó thế nào.
Như bệnh nhân Linh, bác sĩ Tỵ động viên cô chữa trị vì nhiều ca phát hiện sớm, đúng thầy, đúng thuốc đã kéo dài thời gian sống, thậm chí khỏi bệnh. Trường hợp tái phát sau 5 năm, phát hiện sớm, bệnh nhân có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng hoặc thuốc mới tiềm năng hơn, kéo dài thời gian cũng như chất lượng sống.
"Chúng tôi luôn ưu tiên tư vấn, chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ngay từ lúc khám bệnh, để giảm nhẹ về tâm lý và áp lực bệnh tật", bác sĩ nói, bên cạnh việc tìm ra phương pháp chữa khỏi bệnh cho họ.
Bộ Y tế đang sửa đổi bổ sung, cập nhật danh mục thuốc, vật tư y tế, thuốc y học cổ truyền, nhằm đảm bảo quyền lợi và mức hưởng của người có thẻ BHYT. Như vậy, tương lai gần, nếu thuốc đặc trị ung thư được BHYT chi trả, bác sĩ sử dụng các liệu pháp tốt nhất để điều trị cho người bệnh.
Để phòng ngừa ung thư, người trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.
Gia đình có bố và anh trai của bố mắc ung thư đại tràng, dạ dày hoặc mẹ, dì hoặc bác gái mắc ung thư vú, bạn cần phải tầm soát sớm. Đây là nhóm có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người khác. Mốc thời điểm tầm soát ung thư là sau tuổi 30. Người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, ung thư vú sau mãn kinh...