Uống 2 lít nước/ngày là đủ: Rất nhiều người đang hiểu sai gây hệ lụy lớn đối với sức khỏe

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 25/12/2020 06:00 AM (GMT+7)

Việc uống nước không đủ hoặc uống không đúng cách tưởng chừng vô hại nhưng theo các chuyên gia nó ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể.

Uống 2 lít/ngày liệu đã đủ cho cơ thể?

Nước có vai trò rất lớn đối với cơ thể, nước không chỉ giúp điều hòa thân nhiệt mà còn giúp bài tiết, loại bỏ chất thải và rất tốt cho não bộ. Ngoài ra, nước còn giúp làm đẹp da, cải thiện lưu thông máu, bảo vệ các mô, khớp… Dù nước có nhiều lợi ích nhưng rất nhiều người lại đang uống nước cho có, uống không đúng cách hoặc uống không đủ lượng nước khiến cơ thể đang dần bị phá hủy.

PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay rất nhiều người đang uống thiếu lượng nước cần thiết cho cơ thể. Theo vị chuyên gia này, việc uống đủ lượng nước cần thiết phải được tính theo trọng lượng cơ thể, chứ không thể nói chỉ uống 2 lít nước mỗi ngày là đủ.

Uống 2 lít nước/ngày là đủ: Rất nhiều người đang hiểu sai gây hệ lụy lớn đối với sức khỏe - 1

Nước có vai trò rất lớn với nhiều bộ phận trên cơ thể, việc uống thiếu nước là rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Theo đó, mỗi một kg trọng lượng cơ thể sẽ cần 40ml nước mỗi ngày, như vậy nếu một người có trọng lượng cơ thể 50kg thì cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, người có trọng lượng dưới 50kg, lượng nước cần cho cơ thể sẽ ít hơn 2 lít, ngược lại với người 60kg hoặc 70kg, lượng nước sẽ tăng lên.

PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cũng cho biết uống đủ nước rất cần thiết và nếu uống không đủ lượng nước sẽ ảnh hưởng xấu đối với cơ thể.

Đối với những người không uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, PGS Vĩnh Niên cảnh báo sẽ để lại hậu quả trực tiếp như: tăng thân nhiệt do không đủ mồ hôi, giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, đau cơ, táo bón…

Về lâu dài, việc thiếu nước cũng sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận, rối loạn về hô hấp vì nước giúp giữ ẩm và làm sạch đường hô hấp…

Uống nước khi nào là tốt, uống sao cho đúng?

PGS Lâm Vĩnh Niên tư vấn, mọi người nên cân đối lượng nước uống trong ngày, tốt nhất là uống nước vào mỗi bữa ăn chính, bữa ăn phụ hàng ngày. Ngoài ra, cần tăng cường ăn trái cây, rau vì đây là những thực phẩm chứa nhiều nước, bổ sung lượng nước hàng ngày cho cơ thể.

Uống 2 lít nước/ngày là đủ: Rất nhiều người đang hiểu sai gây hệ lụy lớn đối với sức khỏe - 2

Không phải ai cũng biết uống nước đúng cách. Ảnh minh họa.

Với những người thường xuyên hoạt động thể dục thể thao, trước và sau khi tập nên uống nước. Thậm chí, ngay cả khi đói cũng nên uống nước vì có thể do cơ thể đang khát nước nhưng bản thân lại nghĩ do đói bụng.

Trước một số thắc mắc cho rằng có nên uống nước ngay khi mới thức dậy vào buổi sáng, và uống sao cho đúng? PGS Lâm Vĩnh Niên khẳng định, uống nước vào buổi sáng là tốt cho cơ thể vì sau một đêm ngủ dậy, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước. Ngay thời điểm đó nếu bổ sung nước sẽ giúp bôi trơn, hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, loại bỏ độc chất trong cơ thể.

Với những người đang muốn giảm cân, uống nước buổi sáng có thể giúp giảm nhu cầu ăn trong ngày, từ đó giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. “Uống nước vào buổi sáng, tốt nhất nên uống một cốc nước ấm thay vì uống nước lạnh. Nước ấm uống vào buổi sáng giúp “đánh thức” các bộ phận cơ thể sau khi ngủ dậy”, PGS Lâm Vinh Niên tư vấn.

Đối với việc uống nước buổi tối, vị chuyên gia này cho rằng vẫn nên uống nhưng tốt nhất là uống sau bữa ăn và không nên uống nhiều, đặc biệt là không uống gần giờ đi ngủ. Việc uống nước trước giờ đi ngủ sẽ làm tăng số lần đi tiểu trong đêm, làm gián đoạn giấc ngủ nhất là với người cao tuổi.

“Việc giấc ngủ bị gián đoạn gây nên tình trạng thiếu ngủ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, tăng cân... Nên tránh uống nước hoặc các thức uống lỏng khác khoảng 2 giờ trước khi ngủ để tránh thức giấc ban đêm”, PGS Vĩnh Niên khuyến cáo.

Uống nước đun sôi để nguội có gây ung thư?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định uống nước đun sôi để nguội không gây ung thư. Tuy nhiên, việc nước đun sôi để nguội sẽ làm mất đi lượng oxy hòa tan, ảnh hưởng đến sự phát triển của vi sinh vật có lợi trong đường ruột.

Uống 2 lít nước/ngày là đủ: Rất nhiều người đang hiểu sai gây hệ lụy lớn đối với sức khỏe - 3

PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết nước đun sôi để nguội không gây ung thư.

Nhiều gia đình có thói quen dùng nước đun sôi để nguội từ hôm trước, sang hôm sau thậm chí là nhiều ngày, PGS Thịnh cho rằng điều này là tuyệt đối không nên. Chỉ nên sử dụng nước đun sôi để nguội trong ngày, được bảo quản cẩn thận. Nếu nước đun sôi để nguội để quá lâu sẽ khiến các loại vi sinh vật xâm nhập và phát triển gây hại cho cơ thể, thậm chí là làm nhiễm độc nước.

Theo quan điểm của PGS Nguyễn Duy Thịnh, người dân vẫn nên dùng nước đun sôi để nguội uống hàng ngày, mặc dù hiện nay đã có rất nhiều công nghệ lọc nước, có thể uống trực tiếp. Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn nước đun sôi cần phải lựa chọn nguồn nước đảm bảo, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình.

“Việc dùng nước lọc hiện nay tuy sạch nhưng qua hệ thống xử lý sẽ làm mất đi một số khoáng chất tự nhiên cần thiết cho cơ thể, nếu sử dụng lâu dài khiến cơ thể thiếu một số vi chất. Vì thế, chúng ta vẫn nên dùng theo cách truyền thống từ xưa là đun sôi để nguội, nhưng cần phải lựa chọn nguồn nước đảm bảo không bị ô nhiễm, nhiễm các ion kim loại nặng như chì, thủy ngân…”, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.

Uống nước chanh sáng hay tối? Vắt chanh 3-4 quả mà bỏ qua điều này uống bao nhiêu cũng phí
Nước chanh uống buổi sáng liệu có tốt nhất cho sức khỏe và nên dùng bao nhiêu chanh mỗi khi pha nước.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh